07/10/2009 - 08:13

Vụ lúa đông xuân 2009-2010 ở huyện Vĩnh Thạnh

Sản xuất lúa gắn với nhu cầu thị trường

Vụ đông xuân 2009-2010, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) dự kiến sẽ sản xuất 25.500 ha lúa. Còn khoảng 1 tháng nữa mới bắt đầu xuống giống vụ đông xuân, nhưng hiện nay công tác chuẩn bị đã và đang được các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp huyện triển khai đến nông dân...

Các biện pháp giảm chi phí...

Vụ đông xuân 2009-2010, huyện Vĩnh Thạnh có kế hoạch xuống giống đồng loạt để né rầy. Thời gian xuống giống dự kiến được chia làm 2 đợt và kéo dài khoảng từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12-2009. Tuy nhiên, lịch xuống giống cụ thể sẽ được cập nhật do phải dựa trên cơ sở các bẫy đèn để xác định mật độ rầy.

Hiện nay, giá nhiều loại phân bón và vật tư nông nghiệp đã giảm trở lại nhiều nên dự đoán vụ đông xuân 2009-2010 sẽ không có trở ngại lớn. Tuy nhiên, nhìn chung các chi phí sản xuất lúa vẫn còn cao như: giá nhân công lao động, giá lúa giống, xăng dầu... Trong khi đó, những năm gần đây, tình hình thời tiết và sâu bệnh hại lúa có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất lúa. Vì vậy, huyện Vĩnh Thạnh xác định, phải siết chặt lại sản xuất theo hướng thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất lúa, giảm sâu bệnh và giảm tối đa các chi phí sản xuất...

Chuẩn bị lúa giống phục vụ cho nông dân sản xuất lúa đông xuân 2009-2010 tại Trung tâm Giống nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh. 

Để làm được điều đó, trước hết đòi hỏi công tác chuẩn bị giống phải được quan tâm, nhất là việc chuẩn bị các giống lúa chất lượng cao, giống lúa có tính kháng rầy và sâu bệnh. Đồng thời, các địa phương phải gia cố lại hệ thống đê bao cấp, thoát nước, định lượng thời gian xuống giống cho đúng thời vụ để né rầy và tránh thời tiết bất lợi, cũng như tránh ảnh hưởng đến vụ hè thu. Hỗ trợ nhà nông nhằm giảm chi phí trong sản xuất thông qua các biện pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, kết hợp sạ thưa, bón phân đạm cân đối và thực hiện “4 đúng” trong phun xịt thuốc; đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu thu hoạch lúa để giảm chi phí và đảm bảo lúa được thu hoạch, bảo quản kịp thời, tránh bị thời tiết làm giảm chất lượng, dẫn đến giá giảm. Ngoài ra, việc sản xuất tập trung cùng 1 giống lúa trên cánh đồng gắn với việc ký hợp đồng tiêu thụ với DN cũng giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Nhằm tổ chức cho nông dân thực hiện tốt các biện pháp giảm chi phí sản xuất, huyện Vĩnh Thạnh đang tiến hành củng cố lại hoạt động của các tổ hợp tác (THT). Huyện hiện có 290 THT, với 10.317 thành viên, diện tích 10.381 ha. Trong đó, có 156 THT hoạt động bơm tưới nước. Dự kiến bước đầu huyện sẽ củng cố trên 20 THT tại các xã, thị trấn để làm điểm. Sau khi được củng cố, các tổ sẽ trở thành đầu mối để tập hợp nông dân lại trong việc thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất, cũng như mô hình sản xuất lúa theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của DN. Thông qua các THT, cán bộ khuyến nông sẽ thường xuyên cùng nông dân ra đồng theo dõi sâu bệnh nhằm sử dụng đúng thuốc và qua đó giúp nhà nông nâng cao kiến thức phòng trị sâu, bệnh cho lúa.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, trong các vụ lúa gần đây, diện tích lúa sạ hàng của huyện mới chiếm 2.000-4.000 ha (khoảng 10-20%). Trong khi đó, tỷ lệ diện tích sạ thưa cũng còn thấp. Ở phía Nam sông Cái Sắn bình quân nhà nông sạ khoảng 120-150kg lúa giống/ha, nhưng ở phía Bắc sông Cái Sắn (với tổng diện tích lúa khu vực này khoảng 10.000ha), đa số nông dân còn sạ với số lượng lúa giống cao, với 150-200kg/ha. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhà nông không nên sạ quá 150kg lúa giống/ha. Bởi sạ với mật độ quá dày vừa gây lãng phí lúa giống, vừa có thể gây hạn chế sự phát triển của lúa và phát sinh thêm sâu bệnh...

Ông Lâm Văn Mách ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Gia đình tôi làm được 4 công ruộng. Vụ đông xuân 2009-2010 này, tôi dự kiến sản xuất giống lúa OM 2514. Hiện nay, giá các loại giống lúa nguyên chủng và xác nhận ở mức khá cao, khoảng 8.000-13.000 đồng/kg. Do vậy, việc sạ giống tiết kiệm là rất cần thiết. Trong các vụ trước tôi thường sạ chỉ khoảng 1,2 giạ lúa/công. Còn bón phân thì 50kg các loại/công trở lại”.

Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Vụ đông xuân 2009-2010, Vĩnh Thạnh chọn khâu gieo sạ là khâu kiên quyết nhất trong việc thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất. Để vận động và khuyến khích người dân thực hiện sạ thưa và sạ hàng, nhằm giảm chi phí sản xuất, Huyện ủy ra nghị quyết lãnh đạo đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện hoặc vận động gia đình đi tiên phong trong phong trào sạ thưa, sạ hàng”.

Để đẩy nhanh việc cơ giới hóa trong sản xuất, Vĩnh Thạnh đã và đang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông dân vay vốn để mua vật tư và máy móc thiết bị nông nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 91 máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Nếu các máy hoạt động hết công suất có thể đáp ứng 80% việc thu hoạch lúa trong vụ đông xuân và 60% cho vụ hè thu. Nhưng trên thực tế, các máy này đang đáp ứng 40% việc thu hoạch lúa trong vụ đông xuân và 30% cho vụ hè thu của huyện do vào những lúc thu hoạch lúa rộ người dân trên địa bàn huyện còn mướn thêm nhân công và các máy GĐLH từ nơi khác đến nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch lúa. Thu hoạch bằng máy có thể giảm chi phí 1 triệu đồng/ha và giảm thất thoát lúa.

Sản xuất theo đặt hàng của DN

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, đến nay công tác chuẩn bị lúa giống cho vụ sản xuất đông xuân 2009-2010 của huyện đã cơ bản đảm bảo. Cùng với lượng lúa giống do người dân tự sản xuất và các loại lúa thịt được người dân trữ lại hoặc trao đổi với nhau để làm lúa giống (chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu giống trên địa bàn), Trung tâm Giống nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đã chuẩn bị trên 200 tấn giống lúa nguyên chủng và xác nhận. Đến nay, Trung tâm Giống nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đã cung ứng cho người dân được 90 tấn lúa giống các loại. Ngoài ra, còn có thêm lượng lúa giống của các DN cung ứng cho nông dân theo các mô hình sản xuất bao tiêu sản phẩm và nông dân đi mua thêm lúa giống tại các viện, trường và trung tâm giống nằm ngoài địa bàn huyện.

Các năm trước, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh chủ yếu sản xuất 2 giống chính là giống lúa thơm Jasmine 85 được sản xuất nhiều ở vùng phía Nam sông Cái Sắn và giống lúa chất lượng cao OM 2517 được sản xuất chủ yếu ở phía Bắc sông Cái Sắn. Thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT về việc không sản xuất một giống lúa chiếm quá 20% diện tích, hiện nay huyện đã bổ sung và khuyến khích người dân sản xuất thêm nhiều giống lúa khác, nhất là các giống lúa chất lượng cao. Cơ cấu giống lúa đã có thêm khá nhiều giống như: OMCS 2009, OM 4218, OM 4900, OM 7347, OM 2514, OM 4088, OM 6162, OM 6561, OM 5240, OM 5472, OM 5628, O 6070, AG1... Riêng giống lúa IR50404, huyện đang tiếp tục duy trì ở mức không quá 5% trên tổng diện tích lúa của huyện.

Bên cạnh việc sản xuất đa dạng các giống lúa, huyện Vĩnh Thạnh đang tiếp tục khuyến khích người dân sản xuất các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao theo các mô hình liên kết theo đơn đặt hàng, bao tiêu sản phẩm của các DN. Ông Đỗ Sĩ Nhường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Vụ đông xuân 2009-2010 Công ty Mekong Cần Thơ có kế bao tiêu sản phẩm cho 1.000 ha lúa thơm Jasmine 85 của nông dân ở TP Cần Thơ, trong đó dự kiến huyện Vĩnh Thạnh sẽ có 500-700 ha được bao tiêu. Hiện tại Công ty Mekong Cần Thơ đã cung ứng cho nông dân trong địa bàn huyện 145 tấn lúa giống Jasmine 85. Trong khi đó, Công ty Gentraco dự kiến bao tiêu sản phẩm 700 ha lúa cho nông dân của huyện. Trong đó gồm 350 ha lúa Jasmine 85 và 350 ha sản xuất giống lúa OM 7347...”.

Theo ông Đỗ Sĩ Nhường, Công ty Mekong Cần Thơ dự kiến sẽ cung cấp lúa giống và đầu tư một khoảng chi phí sản xuất cho nông dân và bao tiêu sản phẩm theo một mức giá sàn. Còn Công ty Gentraco hứa sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá mua lúa cao hơn thị trường khoảng 100-150 đồng/kg, nhưng với điều điện lúa phải đảm bảo độ ẩm không quá 15%, độ gãy không quá 12%, tạp chất không quá 3%... Về lúa giống, do nông dân tự chuẩn bị hoặc công ty sẽ cung cấp. Ngoài 2 công ty nói trên, hiện nay Vĩnh Thạnh đang xúc tiến tìm thêm các DN khác để tiếp tục thực hiện thêm các mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân của huyện.

Là một vùng sản xuất lúa trọng điểm của TP Cần Thơ, huyện Vĩnh Thạnh có diện tích lúa chiếm gần 1/3 tổng diện tích sản xuất lúa của thành phố. Với công tác chuẩn bị chu đáo cho vụ đông xuân 2009-2010, tin rằng Vĩnh Thạnh sẽ có một vụ mùa thắng lợi!

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết