19/12/2022 - 13:34

Sa thải trái luật, công ty phải bồi thường cho người lao động 

HOÀNG YẾN

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) muốn sa thải người lao động (NLĐ) khi vi phạm nghiêm trọng nội quy thì phải có đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm. Nếu không thể chứng minh việc sa thải là đúng quy định, NSDLĐ phải bồi thường cho NLĐ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tư vấn quy định về lao động cho người lao động đang tìm việc. Ảnh: P. MAI

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tư vấn quy định về lao động cho người lao động đang tìm việc. Ảnh: P. MAI

Một công ty ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, bị Tòa án Nhân dân quận Cái Răng tuyên buộc bồi thường cho NLĐ gần 1 tỉ đồng. Theo nội dung vụ án, ông A làm việc cho Công ty T từ tháng 9-2009, có ký nhiều hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng với công ty nhưng đã bị thất lạc. Ông A chỉ còn giữ hợp đồng lao động năm 2016, là hợp đồng không thời hạn. Đến tháng 1-2020, Công ty T cho rằng ông A vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm nội quy lao động, vì có hành vi hối lộ, nhận hoa hồng, kê giá, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, lợi ích của Công ty T. Ngày 17-1-2020, Công ty T có quyết định tạm đình chỉ công việc đối với ông A. Công ty T có công văn yêu cầu ông A giải trình sự việc liên quan. Sau đó, ông A gửi thư giải trình đến Công ty, nhưng không nhận được phản hồi.

Ngày 22-4-2020, ông A có thư gửi Công ty yêu cầu Công ty làm rõ các căn cứ chứng minh ông vi phạm. Tuy nhiên, Công ty T vẫn không phản hồi. Ngày 12-5-2020, Công ty T ra quyết định sa thải ông A với các nội dung vi phạm: thiếu trách nhiệm trong thực thi công việc gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Công ty; không kê khai mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp… Quyết định sa thải không được Công ty T thông báo cho ông A. Bên cạnh đó, Công ty T ra quyết định sa thải trong khi ông A đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. 

Ông A cho rằng quyết định sa thải của Công ty T là trái pháp luật nên khởi kiện ra tòa. Tổng số tiền ông A yêu cầu Công ty T chi trả cho ông do sa thải trái pháp luật là hơn 1 tỉ đồng. Tòa án Nhân dân quận Cái Răng nhận định Công ty T không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông A vi phạm nội quy lao động và việc sa thải ông A là không có cơ sở. Ngoài ra, Công ty ra quyết định xử lý kỷ luật khi ông A đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là vi phạm nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động. Do đó, Tòa án Nhân dân quận Cái Răng đã tuyên việc Công ty T sa thải ông A là trái pháp luật; buộc Công ty T phải trả tiền lương, bảo hiểm, bồi thường cho ông A với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.

Theo quy định tại Điều 125, Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ sẽ bị xử lý kỷ luật sa thải trong trường hợp sau đây: NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc; NLĐ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động; NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp NLĐ lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định. NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Nếu NLĐ không vi phạm các quy định nêu trên mà bị sa thải thì được xem là sa thải trái pháp luật. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau: phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Sau khi được nhận lại làm việc, NLĐ hoàn trả cho NSDLĐ các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của NSDLĐ. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước theo quy định của Bộ luật Lao động thì NSDLĐ phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. Trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả theo quy định, NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định để chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý thì ngoài khoản tiền NSDLĐ phải trả theo quy định và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho NLĐ nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, để chấm dứt hợp đồng lao động.

Chia sẻ bài viết