16/11/2018 - 20:43

Sẵn sàng cho Lễ hội Ok-Om-Bok - Đua ghe ngo 

Lễ hội Ok-Om-Bok - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng sẽ diễn ra trong ngày 21 và 22-11-2018. Thời điểm này, các ghe ngo đang háo hức tập luyện để tham gia giải đua.

Đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, được Sóc Trăng tổ chức từ nhiều năm qua và đa số vận động viên (VĐV) là nông dân. Từ môn thể thao truyền thống, đua ghe ngo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, nâng lên tầm lễ hội khu vực vào năm 2013. Lễ hội đua ghe ngo được tổ chức hai năm một lần tại tỉnh Sóc Trăng. Hằng năm, cứ đến Lễ hội Ok-Om-Bok - Đua ghe ngo truyền thống, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng tập hợp về đường đua trên đoạn sông Maspéro để xem và cổ vũ cho các đội ghe. Còn những đội ghe, cứ gần ngày thi đấu thì tập trung vào chùa để tập luyện. Vào những ngày này, ở những chùa có đội ghe, không khí tập luyện rất sôi nổi.

Đội ghe ngo chùa Om Pu Year, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên tập luyện đầy quyết tâm chiến thắng.

Cứ mỗi buổi chiều sau khi kết thúc chuyện đồng áng, nhiều thanh niên đến chùa Bâng Kok, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị cho buổi tập luyện. Anh Đồ Pô Ni là VĐV ghe ngo chùa Bâng Kok, cho biết: “Tôi thích môn đua ghe ngay từ nhỏ, vì vậy được tham gia đua là niềm vinh dự và hạnh phúc nhất. Hằng ngày, khi làm xong công việc, tôi đến chùa đúng giờ để cùng anh em tập luyện với mong muốn chiến thắng”. Ông Lâm Thiên, đội trưởng đội ghe ngo chùa Bâng Kok nói: "Năm 2017, đội ghe nhà chùa được nằm trong tốp 8 đội ghe ngo mạnh nhất của lễ hội đua ghe ngo đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL, Sóc Trăng lần thứ 3. Do vậy, năm nay, tinh thần của VĐV rất tốt, đoàn kết tập luyện với quyết tâm chiến thắng. Gần 1 tháng nay, cứ đúng 4 giờ chiều, 60 VĐV có mặt tập luyện và nhịp dầm nhanh dần theo tiếng còi”.

Đội ghe nữ của các chùa cũng đang ra sức tập luyện để tham gia giải đua. Năm 2017, lần đầu tiên tham gia tại Giải Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL, Sóc Trăng lần thứ 3, đội nữ chùa Ô Chumaram Prếk Chêk, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, đã giành giải Nhất. Đồng thời, giành giải Ba khi đại diện tỉnh Sóc Trăng thi đấu tại Giải Đua ghe ngo toàn quốc diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu. Chị Danh Thị Xãi, 58 tuổi, VĐV của đội ghe nữ chùa Ô Chumaram Prếk Chêk, cho biết: “Chiến thắng đó là kết quả xứng đáng cho nỗ lực, quyết tâm của chị em và niềm danh dự của chùa. Chị em dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đã sắp xếp thời gian tập luyện và thi đấu. Tất cả vì đam mê môn thể thao truyền thống và muốn gìn giữ cho thế hệ sau. Năm nay, đội ghe đã tập luyện từ rất sớm và đầy hy vọng sẽ bảo vệ ngôi vô địch”.

Theo ông Danh Phương- Phó Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, năm nay, giải đua chỉ tổ chức ở cấp tỉnh. Đến thời điểm này, đã có 48 đội ghe nam, nữ đăng ký thi đấu. Trong đó, có 39 đội ghe của tỉnh và 9 đội ghe nam, nữ của các tỉnh: Bạc Liêu, Hậu Giang và Vĩnh Long. Các đội ghe sẽ tranh tài trên đoạn sông Máspero, TP Sóc Trăng ở cự ly 1.200 mét đối với nam và 1.000 mét đối với nữ. Về cơ cấu giải, giải Nhất là 100 triệu đồng đồng và bằng khen của UBND tỉnh; giải Nhì là 80 triệu đồng, giải Ba là 60 triệu đồng và giải Tư là 50 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn khen thưởng cho các đội ghe thắng vòng loại và các vòng bảng. Hiện nay, đang là thời điểm các chùa có ghe ngo gấp rút tập luyện thể lực, chiến thuật.

Bên cạnh những hoạt động chính là đua ghe ngo, bắt đầu từ ngày 16 đến ngày 22-11-2018, tại Trung tâm văn hóa Hồ Nước Ngọt, thành phố Sóc Trăng cũng diễn ra chuỗi sự kiện: Triển lãm hội chợ thương mại; hội thi ẩm thực “Hương vị Sóc Trăng”; hội thao dân tộc; hội thảo “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng ĐBSCL”; triển lãm ảnh; hội thi thả đèn nước trên dòng sông Maspero... Đặc biệt, tỉnh tổ chức phục dựng lễ cúng trăng, thể hiện lòng biết ơn của nông dân với thần mặt trăng, với mong ước điều tốt lành: sức khỏe, mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi, ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức Liên hoan Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer tỉnh Sóc Trăng lần thứ I, với sự trình diễn của nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng...

Lễ hội Ok-Om-Bok - Đua ghe ngo được xem là một trong ba lễ lớn trong năm của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Tất cả những hoạt động diễn ra trong lễ hội đều mang đậm nét văn hóa truyền thống. Lễ hội được tổ chức hằng năm, tạo sự kiện văn hóa đặc trưng cho tỉnh, cũng như góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, lễ hội còn là một hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh, văn hóa, kinh tế, du lịch của tỉnh nhằm kêu gọi đầu tư. 

DUY ANH

Chia sẻ bài viết