17/07/2014 - 21:05

Rừng phòng hộ Tiền Giang kêu cứu !

Rừng phòng hộ ven biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng cửa sông và ven biển trước hiện tượng chống xâm thực của sóng biển, gió bão. Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng phòng hộ đã được ngành chức năng cùng địa phương quan tâm. Nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu, rừng phòng hộ ven biển Gò Công đang có nguy cơ bị xóa sổ…

Xót xa rừng phòng hộ bị xâm thực !

Đi dọc trên tuyến đê biển Gò Công bắt đầu từ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi không khỏi xót xa vì hình ảnh từng mảng rừng phòng hộ (còn gọi là đai rừng) bị nước biển xâm thực.

Anh Lê Công Hoàn
chỉ những nơi đai rừng đã bị xâm thực. 

Tôi còn nhớ vào năm 2006, dọc theo đê biển là cánh rừng đước trải dài mênh mông phía ngoài đê biển như một lá chắn xanh bảo vệ đê trước những cơn sóng biển liên tục đánh vào bờ; đặc biệt là bảo vệ đê biển vững vàng trước những cơn sóng lớn trong mùa gió chướng hay những cơn bão lớn. Vậy mà, trước mắt tôi hiện nay chỉ trơ trọi một vài vạt rừng đước còn sót lại nằm lẻ loi, phơi gốc rễ! Xót hơn, ngay tại cống Rạch Bùn ở xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, toàn bộ khoảnh rừng phòng hộ đã bị xóa sổ, đẩy con đê biển ra xa. Sát chân đê là bãi cát do sóng biển đẩy vào, là nơi mà khó có loại cây nào sống được.

Anh Lê Công Hoàn, cán bộ Hạt Quản lý đê (Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão (PCLB) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), người phụ trách rừng phòng hộ trên tuyến đê biển xung yếu, dẫn chúng tôi đi kiểm tra những đoạn đai rừng đã bị nước biển nuốt chửng. Chỉ tay vào những đoạn chân đê biển đang bị nước biển ngấp nghé đánh vào gây ra hiện tượng bào mòn rõ mồn một, anh tiếc rẻ: “Hơn 15 năm gắn bó với rừng phòng hộ trên tuyến đê biển, chưa bao giờ tôi thấy rừng bị nước biển xâm thực dữ dội như trong khoảng thời gian mười năm trở lại đây. Đặc biệt, chỉ trong bốn tháng mùa khô 2013-2014 (tháng 11-2013 đến 2-2014), dọc theo tuyến đê biển Gò Công đã xuất hiện thêm nhiều điểm xâm thực mạnh khiến đai rừng không còn hoặc còn nhưng chỉ có chiều dài cao nhất là vài chục mét”. Ông Lê Đức Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê của tỉnh, cho biết: Hiện trạng đai rừng phòng hộ ven biển Gò Công (huyện Gò Công Đông) bị xâm thực nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn tuyến đê biển. Tại những vị trí rừng phòng hộ không còn, đê trực diện với biển hoặc đai rừng mỏng đã được đầu tư kinh phí kè bảo vệ mái đê. Đến cuối năm 2013, tổng chiều dài kè bảo vệ mái đê là 3.457m. Hiện nay tỉnh tiếp tục đầu tư kinh phí kè bảo vệ mái đê với chiều dài 663m. Theo kết quả báo cáo mới nhất vào ngày 12-5-2014 của Hạt quản lý đê, đoạn từ cống Rạch Bùn cũ (từ Km9+00-Km25+500) chiều dài 2.640m đai rừng hiện nay cũng đang bị xâm thực nghiêm trọng; phần đai rừng còn lại từ 5-70m (trong đó có đoạn thấp nhất chỉ còn 5m; nhiều nhất là 27m).

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, do biển Gò Công chạy theo hướng Bắc Nam nên vào mùa chướng, đường bờ biển phải hứng chịu tác động trực tiếp của sóng lớn kéo dài từ 4-5 tháng. Mặt khác, bờ biển Gò Công bị chia cắt bởi các cửa sông lớn là Soài Rạp, cửa Tiểu và cửa Đại nên chế độ thủy văn, thủy lực ở đây rất phức tạp (ảnh hưởng của chế độ dòng chảy, bùn cát hai cửa sông, thủy triều biển, dòng chảy ven bờ do sóng tạo nên). Điều này dẫn tới diễn biến đường bờ theo cả không gian và thời gian rất khó kiểm soát mà một trong những hậu quả là nhiều diện tích rừng phòng hộ bị xâm thực và biến mất. Kết quả thống kê cho thấy, diện tích đai rừng phòng hộ cặp theo tuyến đê biển khoảng 20km đối diện trực tiếp với biển vào năm 2006 đến nay đã bị xâm thực chỉ còn 197,21 ha. Điều này đe dọa đến sự an toàn của đê biển Gò Công cũng như tính mạng và tài sản của khoảng 330.000 dân sống bên trong đê.

Làm gì để phục hồi, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ bền vững?

Trong nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều hoạt động tìm hiểu, xác định nguyên nhân suy thoái và xói lở rừng phòng hộ ven biển Gò Công, đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo quan trọng để tìm ra những giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái rừng phòng hộ. Một trong những hội thảo quan trọng có quy mô lớn với chủ đề “Tình hình suy thoái và một số giải pháp xử lý, khôi phục rừng phòng hộ ven biển Tiền Giang” được tổ chức vào tháng 2-2013.

Tại hội thảo, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, đã phác thảo sơ bộ định hướng phát triển rừng phòng hộ của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 như sau: Quy hoạch, phân loại và có kế hoạch phát triển từng loại rừng, kết hợp bảo tồn, phòng hộ với phát triển du lịch sinh thái. Đối với rừng phòng hộ ven biển đảm bảo các yêu cầu về phòng hộ chắn sóng, chống xói lở, lấn biển, bảo vệ môi trường,… và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Tùy theo mức độ xung yếu, có thể kết hợp phòng hộ với sản xuất nông nghiệp-ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái-môi trường và các lợi ích khác của rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ chắn sóng, chống xói lở, bảo vệ môi trường phải được xây dựng thành các đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Trồng rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên diện tích đất trống, các bãi triều đang trong quá trình bồi tụ với các loài cây phù hợp với điều kiện lập địa. Áp dụng khoa học công nghệ làm động lực cho phát triển lâm nghiệp, nghiên cứu phát triển rừng theo hai hướng chính là cải tạo giống cây rừng và các biện pháp lâm sinh không chỉ tăng năng suất, chất lượng rừng mà còn gia tăng các giá trị bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của rừng…

Bên cạnh công tác khôi phục diện tích rừng phòng hộ, công tác quản lý và bảo vệ cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Vào cuối tháng 5-2014, Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh có chuyến khảo sát và làm việc về vấn đề giao khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 31-12-2013, diện tích rừng phòng hộ khu vực Gò Công do Hạt quản lý trên địa bàn tỉnh là 1.658,8 ha (trong đó huyện Gò Công Đông: 606,15 ha; Tân Phú Đông: 1.052,45 ha). Trong năm 2013, tổng số hộ dân tham gia ký kết quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ là 173 hộ với 1.010,36 ha với tổng số tiền là 202.072.060 đồng. Ông Lê Đức Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê và rừng phòng hộ, thừa nhận: Công tác bảo vệ rừng phòng hộ khu vực hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông trong thời quan qua gặp không ít khó khăn như: Một số hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng chưa thực sự quan tâm trong công tác tuần tra kiểm soát để xảy ra các trường hợp chặt, đốn cây rừng (như ở khu vực xã Tân Phước, Gia Thuận của huyện Gò Công Đông). Hộ nhận khoán, quản lý rừng buông lỏng công tác kiểm tra chăm sóc rừng như ở khu vực cửa Tiểu (xã Phú Tân của huyện Tân Phú Đông). Tình hình hộ nhận khoán vi phạm rừng phòng hộ (đào ao nuôi tôm) ngày càng diễn ra nghiêm trọng nhưng chính quyền địa phương chưa quan tâm xử lý triệt để như ở khu vực xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông). Mức chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ nhận khoán còn thấp (200.000 đồng/ha/năm, trước đây là 100.000 đồng) dẫn đến việc người dân ít quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ.

Hạt Quản lý đê và rừng phòng hộ vừa xây dựng Kế hoạch về việc giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ năm 2014 và những năm tiếp theo. Trong đó, có quy định cụ thể số lượng, số diện tích rừng giao cho hộ dân, nhóm hộ; đặc biệt là sẽ đề nghị cắt hợp đồng đối với những nhóm hộ đồng quản lý, bảo vệ nhưng thời gian qua không có tác động chăm sóc, quản lý khu vực rừng mình quản lý. Đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các Đồn Biên phòng ở khu vực rừng phòng hộ của hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông để tăng cường tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức về trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ trước biến đổi khí hậu ngày một diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh Tiền Giang, khẳng định: Trong thời gian tới, để giải quyết thành công tình trạng suy thoái rừng phòng hộ ven biển của tỉnh đòi hỏi cần sự đầu tư về kinh phí xây dựng các đề án nghiên cứu và đề xuất cải tiến cơ chế, chính sách trong việc quản lý, khai thác rừng, xây dựng, bảo vệ bờ, bãi, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHÙNG LONG

Ngày 7-4-2013, trong chuyến làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về tình hình đê biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện sớm các phương án xây dựng đê biển để trình duyệt. Đặc biệt là phải có chính sách bảo vệ rừng phòng hộ. Riêng với những điểm sạt lở và sắp sạt lở phải làm kè ngay. Các tỉnh cần bắt tay nhanh vào việc xây dựng đê biển, vì thời gian không còn nhiều trước diễn biến của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ bài viết