30/07/2012 - 21:07

Rớt đại học - Vẫn còn nhiều cơ hội học tập khác !

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ là trường mà nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn vào học, sau khi không trúng tuyển đại học. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ trong giờ học lý thuyết.

Những ngày qua, các trường đại học trên cả nước đã lần lượt công bố điểm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Nhìn bảng điểm, niềm vui ít, nỗi buồn nhiều, bởi bình quân chung hàng năm tất cả các trường đại học công lập ở ĐBSCL chỉ tuyển khoảng 10% thí sinh dự thi. Nghĩa là có khoảng 90% thí sinh rớt đại học. Họ sẽ làm gì?

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Sương, nhà ở tỉnh Hậu Giang khi Sương đang tìm hiểu thông tin về lớp đại học liên thông từ trung cấp Luật lên đại học do Trường Đại học Trà Vinh tổ chức tại TP Cần Thơ. Do lần trước, thấy Sương trúng tuyển đại học nhưng buồn so vì không được cơ quan cho đi học, nên lần này gặp chúng tôi, Sương chủ động khoe: “Cơ quan cho phép tôi tham gia lớp liên thông lên đại học rồi. Tôi đang tìm tài liệu để thi lại, vì kết quả lần trước không được bảo lưu”. Trường hợp của Sương cũng là một trong những trường hợp biết vượt khó vươn lên của những thanh niên nông thôn ở ĐBSCL hiện nay. Theo lời Sương kể, sau khi tốt nghiệp THPT, thi rớt đại học nên Sương ở nhà phụ gia đình làm ruộng, rẫy một thời gian. Sương nhận thấy chỉ có con đường học vấn mới có thể thay đổi cuộc sống của bản thân. Sương quyết định xin gia đình đi học lại. Đã một lần rớt đại học nên Sương hiểu sức mình. Sương chọn học trung cấp Luật. Sau khi tốt nghiệp, Sương quyết định lên Cần Thơ xin việc để có thể học liên thông lên đại học. Để có thể tự nuôi mình ăn học, Sương xin vào làm tạp vụ cho một đơn vị trên địa bàn quận Ninh Kiều với mức lương, thưởng, có thể an tâm tự lo việc học và nuôi sống bản thân. Sương tự tin cho biết: “Sau khi học xong đại học, tôi sẽ xin làm một công việc khác phù hợp với chuyên môn mình đã học”. Chuyện học của Nguyễn Văn Tuấn ở quận Ninh Kiều cũng thế, Tuấn đang học lớp Cao đẳng Luật của một trường cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ. Gia đình khá giả nên Tuấn chỉ có nhiệm vụ học. Tuấn chia sẻ: “Dù ba mẹ tôi không nói ra nhưng tôi biết ba mẹ rất mong tôi có bằng đại học như nhiều người. Hơn nữa, bây giờ có bằng đại học mới dễ xin được việc làm. Vì vậy, tôi đã xin phép ba mẹ cho tôi học liên thông thêm 2,5 năm nữa, sau khi tốt nghiệp cao đẳng. Ba mẹ đã đồng ý”.

Công bằng mà nói thì việc thí sinh thi đậu và học đại học là một niềm hãnh diện cho gia đình. Tuy nhiên, thực tế không đậu đại học vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ là một điển hình. Năm 1993, chị không thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ nên đã đăng ký thi vào trung cấp dược tại TP Hồ Chí Minh. Vừa học vừa làm thêm nên chị Thu rất có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chị cũng rất tích cực học Anh văn nên trong thời gian học, chị đã được một công ty dược phẩm của nước ngoài nhận vào làm việc bán thời gian. Sau khi tốt nghiệp, chị Thu vào làm chính thức và đã từng bước giữ chức Trưởng bộ phận bán hàng, rồi Trưởng phòng. Sau khi ổn định về kinh tế, mua được nhà tại TP Hồ Chí Minh, chị Thu đăng ký dự thi và đậu vào hệ vừa học vừa làm ở Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Chị Thu chia sẻ: “Học hệ vừa học vừa làm có cực hơn nhưng mình tự tin vì không phụ thuộc vào kinh tế gia đình. Hơn nữa vì biết mình không đậu thẳng đại học, phải đi đường vòng nên bản thân càng tập trung, cố gắng hơn, không lơ là, ỷ lại”.

Có thể thấy, thời điểm hiện tại, có rất nhiều cơ hội học tập cho các thí sinh, nếu chẳng may không đậu đại học. Chỉ tính riêng địa bàn TP Cần Thơ đã có 5 trường cao đẳng của trung ương và địa phương, như: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Nghề Cần Thơ... Ở bậc thấp hơn, tại TP Cần Thơ có đến 13 trường trung cấp trong và ngoài công lập. Không chỉ đào tạo trình độ đại học, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng tổ chức đào tạo bậc trung cấp. Như vậy, toàn TP Cần Thơ có hơn 20 trường đại học, cao đẳng, trung cấp có tham gia đào tạo bậc trung cấp. Và đặc biệt, hầu hết các trường này đều có chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp- cao đẳng- đại học... Như vậy, cơ hội học tập của thí sinh sau khi rớt đại học là rất lớn. Điều đáng quan tâm là nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học có hình thức tuyển đầu vào bậc trung cấp tương đối “dễ thở” theo hướng rộng cửa đón thí sinh nên sẽ là cơ hội cho nhiều người phải đi đường vòng.

Ngoài ra, ngành nghề ở các trường cao đẳng, trung cấp đang ngày càng phong phú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh lựa chọn. Theo ông Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, kỳ tuyển sinh năm 2012, trường dự kiến mở thêm 5 ngành học mới, trong đó, bậc cao đẳng mở ngành mới, Dịch vụ Pháp lý; 4 ngành mới bậc trung cấp chuyên nghiệp là: Du lịch, Nhà hàng- khách sạn, Xây dựng dân dụng, Tài chính- Kế toán. Còn tại Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, ở bậc Cao đẳng, ngoài chuyên ngành mới Quản trị tài nguyên môi trường, năm nay, trường có thêm 1 chuyên ngành mới là Quản trị kinh doanh quốc tế (trước đây còn gọi là Quản trị kinh doanh xuất nhập khẩu). Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ dự kiến mở thêm ngành Dược và Hộ sinh bậc cao đẳng. Không chỉ mở thêm các ngành nghề mà các trường còn được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Chẳng hạn, tổng chỉ tiêu bậc cao đẳng của Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tăng 400 sinh viên so với năm 2011. Ở bậc cao đẳng, Trường Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cũng được tăng 80 chỉ tiêu so với năm trước...

Trong một lần chia sẻ với chúng tôi về công tác tuyển sinh, ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cho rằng, cơ hội học tập cho những thí sinh rớt đại học là rất nhiều, nếu các em biết tận dụng nó. Đồng thời bản thân các em phải biết lượng sức mình, điều kiện kinh tế gia đình để có đường đi thích hợp cho tương lai. Nhiều người đã chọn đường vòng và đã rất thành công. Vì sao chúng ta không thử?

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết