12/10/2019 - 15:49

Ra riêng 

Ra riêng, với các cặp vợ chồng trẻ, không chỉ là vì sống chung không hợp mà còn vì mong muốn tìm kiếm khoảng trời riêng, chứng tỏ khả năng tự lập, làm chủ cuộc sống, có cơ hội trải nghiệm quá trình dựng xây tổ ấm thực tế và đầy đủ nhất. Tuy nhiên, ra riêng không hề là chuyện nhỏ…

Lăn tăn chuyện ra riêng

Ra riêng là một trong những cách giúp những đôi vợ chồng trẻ trưởng thành hơn. Ảnh: minh họa từ internet

Ra riêng là một trong những cách giúp những đôi vợ chồng trẻ trưởng thành hơn. Ảnh: minh họa từ internet

Chị Lê Thị Thanh Thảo, quê ở An Giang, hiện sống cùng gia đình chồng ở quận Ninh Kiều. Mấy ngày nay, chị và chồng bàn nhau chuyện ra riêng nhưng chưa quyết định được vì lo không kham nổi khó khăn ban đầu. Chị chia sẻ: “Cha mẹ chồng đều có lương hưu nên "bao" hết ăn uống cho gia đình nhỏ của tôi, kể cả tiền sữa cho cháu nội vừa thôi nôi. Thu nhập 2 vợ chồng tôi mỗi tháng trung bình chừng 15 triệu đồng nhưnng không có dư. Tôi nghĩ, do vợ chồng tôi ỷ lại vào ông bà nên không biết tiết kiệm. Tôi bàn với chồng ra riêng là để 2 đứa học cách tự lập, tự cân đối chi tiêu, không nhờ vào ba mẹ chồng nữa. Nhưng khi thống kê chi tiêu mấy tháng gần đây, tôi vẫn e ngại, chưa quyết tâm ra riêng”.

Lo lắng của chị Thanh Thảo cũng từng là nỗi lòng của chị Vy Oanh, ở phường Thới Long, quận Ô Môn nhưng vợ chồng chị Oanh đã mạnh dạn xin ba mẹ cho ra riêng được hơn 2 năm nay. Chị nói: “Vợ chồng trẻ có con nhỏ muốn ra riêng phải cân nhắc một số vấn đề: lịch sinh hoạt, làm việc sao cho phù hợp vì vừa chăm con, vừa làm việc, vừa dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn,… sẽ rất vất vả. Chưa kể, những lúc mình đau ốm hay con nóng, ho, khò khè phải đèo nhau vào bệnh viện. Mọi chi tiêu phải lên kế hoạch đâu vào đó. Nếu có nhà sẵn thì còn nhẹ lo, chứ phải vay tiền cất nhà, rồi trả nợ vay hằng tháng thì áp lực còn nhiều hơn nữa”.

Đứng ở góc độ phụ huynh, bà Tư Nhung, 70 tuổi, ở quận Ninh Kiều, lo chuyện khác khi nghe các con lần lượt xin ra riêng. Bà có cả thảy 4 người con, ông Tư mất hồi con trai út mới vào đại học. Bà từng mong về già, ít nhất cũng có vợ chồng con trai út bên cạnh phụng dưỡng. Tuy nhiên, cả 4 người con sau khi lập gia đình đều ở riêng. Bà lo con cái ở riêng, cháu nội, cháu ngoại phải gửi đi nhà trẻ sớm, sợ không được chăm sóc kỹ càng; bà lo các con còn trẻ, hôn nhân mới mẻ, gặp nhiều áp lực mà không có người lớn bên cạnh sẽ dễ lung lay; rồi bà còn lo, đứa nào cũng ở riêng, mối gắn kết gia đình sẽ ngày một mờ nhạt...

Lợi cả đôi đường

Sau gần nửa năm cân nhắc, chị Thanh Thảo cũng ra riêng. Chị lập sẵn bài toán chi tiêu hợp lý, sao cho tháng nào ít nhất cũng có dư 2-3 triệu đồng. Chị Thảo chia sẻ: “Nhờ cả vợ chồng đều đồng lòng nên khi ra riêng, tự động biết dè sẻn. Chồng bớt nhậu nhẹt, chịu khó về phụ tôi chăm con, làm việc nhà. Còn tôi nấu nướng nhiều hơn, không ỷ lại vào mẹ nữa. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Nhờ vậy, giờ vợ chồng tôi đã đủ tự tin sống tự lập, không còn phụ thuộc vào cha mẹ 2 bên. Cũng từ đó mà anh chị em trong nhà cũng vui vẻ, nể phục hơn. Chưa kể, có cuộc sống riêng, tình cảm vợ chồng dường như mặn mà hơn trước”.

Chị Phan Thị Hằng, đang ở trọ ở phường An Thới, quận Bình Thủy, cũng cho biết: “Tôi quê ở Trà Vinh, chồng quê ở Kiên Giang. Chúng tôi chọn Cần Thơ để sống. Thu nhập mỗi tháng của ông xã chừng hơn 8 triệu đồng, tôi thì chừng 5 triệu đồng. Từ khi có con nhỏ, tôi nghỉ ở nhà, mất một đầu lương, mà chi tiêu nhiều hơn. Đã có lúc vợ chồng nghĩ, tôi và con phải về nương nhờ nhà mẹ ruột một thời gian, nhưng suy đi nghĩ lại, tôi quyết tâm lập lại kế hoạch kinh tế của gia đình nhỏ. Tôi vừa giữ con, vừa tìm việc làm thêm để có thu nhập tại nhà. Khi con đủ tuổi đi nhà trẻ, tôi đi làm lại, chi tiêu dè sẻn rồi mọi khó khăn cũng qua. Khi vượt qua thử thách, vợ chồng càng thêm trân trọng cuộc sống hôn nhân”.

Còn bà Tư Nhung tuy được các con gởi tiền lo đủ chi phí thuê người giúp việc, nhưng bà không thấy thoải mái. Căn nhà bà Tư cho khách thuê, lấy tiền mỗi tháng trên 10 triệu đồng. Bà tìm 1 căn phòng trọ gần chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, làm chỗ ăn nghỉ. Rồi bà làm quen với những người bạn cao niên gần đó để cùng tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, cùng tập thể dục, uống cà phê trò chuyện, không lo không có người bầu bạn,… Bà Tư nói: “Ở trọ vậy mà khỏe, phòng trọ nhỏ dễ quét tước, tiền cho thuê nhà, tôi dư trang trải ăn, ở, sinh hoạt. Số tiền dành dụm cộng với các con cho, cứ mỗi tháng tôi đi du lịch một chuyến". Đều đặn 2 tuần 1 lần, 2 cô con gái dẫn theo cháu ngoại ghé thăm bà. Rồi mỗi tháng 1 lần, 2 con trai, con dâu về thăm, ăn uống trò chuyện vui vẻ. Hiện tại, các con của bà Tư cũng đề nghị mẹ về nhà cũ, các con sẽ sắp xếp về ở chung nhà để có người gần gũi, chăm sóc nhưng bà Tư còn chưa đồng ý. Bà nói, cứ để bà trải nghiệm cuộc sống riêng thêm vài năm.

“Ra riêng” không còn vì những lý do kiểu như: “khác máu tanh lòng” hay “giặc nước Ngô không bằng bà cô bên chồng”. “Ra riêng” rất đáng được thế hệ trẻ và cả các bậc phụ huynh nhìn nhận thoáng hơn và có sự đầu tư chu đáo để cuộc sống sau “ra riêng” mang lại sự trưởng thành và hạnh phúc nhiều hơn cho những người trong cuộc.

Tâm An

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ra riêng