23/05/2024 - 08:40

Ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ:

Quyết liệt, sáng tạo đảm bảo xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả hơn 

Những năm qua, công cuộc xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ bám sát định hướng: XD NTM gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ. Ðồng thời, XD xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Hướng đi này được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng, đóng góp nhiệt tình từ người dân nông thôn - chủ thể của quá trình XD NTM. Trao đổi với Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, cho biết:

- Sau hơn 13 năm triển khai sâu rộng, chương trình XD NTM ở các xã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tập trung vào những vấn đề cấp thiết và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Huyện đã hoàn thành lập quy hoạch XD nông thôn và có điều chỉnh quy hoạch từng địa phương phù hợp với tình hình mới. Ðến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã và được bảo trì hàng năm với tổng số 76,56km, đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ y tế, giáo dục, văn hóa… cũng được huyện chú trọng đầu tư. Ðơn cử, hiện huyện có 43/48 trường học đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 89,58%; toàn bộ 9 xã của huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Sau khi hoàn thành công cuộc XD xã NTM, các xã trên địa bàn huyện tiến lên XD xã NTM nâng cao. Hiện Cờ Ðỏ có 5 xã đạt 19/19 tiêu chí, 2 xã đạt 18/19 tiêu chí và 2 xã đạt 17/19 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Ðông Hiệp và Thới Hưng.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được thành phố xác định là đòn bẩy trong XD NTM. Xin ông cho biết định hướng này được triển khai trên địa bàn huyện như thế nào?

- Với lợi thế phát triển nông nghiệp, huyện đẩy mạnh các hình thức liên kết, nhất là hình thành các mô hình liên kết hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn để liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Ðến nay, trên địa bàn huyện có 48 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó 42 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, huyện triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng gắn với quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Hiện huyện có 12 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Ngoài ra, Cờ Ðỏ cũng duy trì và phát triển các ngành nghề nông thôn nhằm tạo việc làm tại chỗ cho bà con như mô hình đan lát lục bình, sản xuất dưa môn, dưa chua, cơm rượu, cốm gạo…

Bên cạnh nỗ lực nội tại, huyện tranh thủ các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, thành phố, các tổ chức trong và ngoài nước để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập trung các đối lượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, hộ bị mất đất sản xuất... Với những nỗ lực nói trên, tính đến cuối năm 2023 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đạt 72,864 triệu đồng/người/năm.

Ðâu là những khó khăn, cản ngại trong tiến trình XD NTM của huyện, thưa ông?

- Kết quả XD NTM của các xã là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí vẫn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở một số địa phương chưa phát huy hết sức mạnh của cộng đồng dân cư trong việc tham gia nâng chất các tiêu chí: xây dựng cảnh quan môi trường, xử lý rác thải, tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện...

Diện mạo xã NTM kiểu mẫu Thới Hưng.

Vốn luôn là bài toán khó trong XD NTM, song việc huy động nguồn lực trong nhân dân còn hạn chế; các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Trong khi đó, các mô hình sản xuất triển khai tại địa phương tuy có đa dạng nhưng còn nhỏ lẽ, thiếu sự liên kết bền vững, khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao.

Về chất lượng từng tiêu chí, thực tế một số tiêu chí đã đạt nhưng không mang tính bền vững, cần nâng chất hằng năm như thu nhập, bảo hiểm y tế... Ðơn cử, đối với tiêu chí số 10 về thu nhập bình quân đầu người tuy đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng giá cả hàng hóa, chi phí sản xuất tăng nên mức sống của người dân có nâng lên nhưng chưa đáng kể. Một số mô hình liên kết sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kết chưa bền vững nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân...

 Vậy huyện có định hướng và giải pháp nào để chương trình XD NTM đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2024?

- Năm 2024, Cờ Ðỏ đặt mục tiêu XD xã Trung Hưng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và phấn đấu thêm xã NTM kiểu mẫu Thới Ðông. Ðồng thời, nâng chất xã Trung Thạnh, Trung An và Ðông Thắng đã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn Bộ Tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Riêng đối với các xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 (xã Thạnh Phú và Thới Xuân) tiếp tục, duy trì nâng chất theo hướng chất lượng, bền vững hơn.

Ðể đạt mục tiêu trên, huyện chỉ đạo các xã quyết liệt, sáng tạo đảm bảo XD NTM thực chất, hiệu quả hơn. Theo đó, tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo NTM các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua XD NTM. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về XD NTM để tạo hiệu ứng lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.

Các xã tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy Cờ Ðỏ về Ðẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế tập thể và kinh tế vườn huyện Cờ Ðỏ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy Cờ Ðỏ về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ, nhằm phát huy lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập người dân.

Về nguồn vốn XD NTM, cấp huyện, xã tiếp tục lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn; vận động xã hội hóa sâu rộng đầu tư nâng chất các tiêu chí. Cùng với đó, các xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu, huy động và phân bổ nguồn vốn… kịp thời tham mưu UBND huyện tháo gỡ, hỗ trợ...

Xin cảm ơn ông!l

MỸ THANH (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết