Nhiều người cho rằng, đã là vợ chồng thì mọi chuyện cần minh bạch, nhất là trong vấn đề tài chính, không nên lập quỹ riêng, để tránh nghi kỵ không hay. Tuy nhiên, sau thời gian dài chung sống và trải qua các biến cố, nhiều người vợ nghiệm ra rằng, phụ nữ rất cần có khoản dự phòng riêng. Bên cạnh việc chủ động giải quyết những vấn đề cá nhân phát sinh, hỗ trợ người thân có việc đột xuất thì khi có chút vốn liếng sẽ khiến chị em tự tin hơn vì không phải phụ thuộc về mặt kinh tế.

Chị em phụ nữ nên có khoản tài chính phòng thân để chủ động hơn trong cuộc sống.
Lấy chồng từ 23 tuổi, đến nay, cô N.P ở phường An Khánh (quận Ninh Kiều) trải qua 44 năm hôn nhân. Là tuýp phụ nữ hy sinh, vun vén cho gia đình nên trước đây, khi còn đi làm, bao nhiêu lương, thưởng có được, cô dốc hết vào việc mua đất để dành. Sau đó, cô vay mượn cất căn nhà 3 tầng khang trang, nuôi các con tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Rồi cô P xin nghỉ hưu sớm hưởng chế độ một lần để có tiền hỗ trợ con cái làm ăn. Còn chồng cô, thu nhập khá, nhưng thấy vợ lo toan trong ngoài chu đáo nên không đóng góp, bao nhiêu tiền đều đem gởi tiết kiệm. Tin tưởng "của chồng công vợ" nên cô P không tính toán thiệt hơn, nghĩ sau này có khoản tiền của chồng dưỡng già, con cái hiếu thảo chu cấp…
Nhưng sự đời không như mong muốn. Khi cô P có việc cần tiền, hỏi chồng thì nhận câu trả lời phũ phàng "của ai nấy xài", xin con thì cũng chỉ phần nào. Cô bức xúc kể công lao khó nhọc bấy lâu thì chồng nói như dội nước lạnh "tự làm thì ráng chịu, sao không biết để dành". Những lúc bị bệnh, cô P phải mượn tiền bạn bè, hàng xóm đi khám, mua thuốc. Buồn nhất là cảnh chồng phát tiền chợ hằng tuần, mua hơi nhiều, ăn dư là bị cằn nhằn, dù lương hưu của chồng và các khoản trợ cấp đủ sống thoải mái. Chịu không thấu, mấy năm nay, ban đêm cô P bán ốc và các món ăn vặt để kiếm tiền chủ động chi tiêu. Cô P ngậm ngùi: "Giờ tôi mới thấy hối tiếc, phải chi hồi xưa có một khoản để phòng thân thì đâu đến nỗi. Không có tiền, người phụ nữ sẽ rất thiệt thòi".
Trước đây, chị M.T ở quận Bình Thủy, đi làm thu nhập khá cao nhưng ít khi nào có dư, cuối tháng có khi còn mượn tiền bạn bè. Là người tiết kiệm, giản dị, nên chị T ít khi mua sắm hay tiêu xài riêng mình mà dành dụm giúp đỡ cha mẹ, con cháu hai bên. Chị chăm chút mọi thứ, từ cất nhà cửa, học hành đến đám tiệc, hiếu hỉ trong ngoài. Còn chồng chị thì sống khỏe bởi có vợ lo hết. Dạo gần đây sức khỏe chị T giảm sút, đi khám thì phát hiện một khối u đã di căn. Nhưng nỗi đau thể xác không bằng cú sốc tinh thần khi chị biết chồng ngoại tình. Chị T tâm sự: "Gần 20 năm vất vả hy sinh, giờ tôi không còn bao nhiêu tiền trong khi bệnh phải uống thuốc tốn kém, không lẽ vay mượn hoài. Tôi tâm sự với chồng thì ảnh trả lời kiểu tới đâu hay tới đó. Nếu lỡ có biến cố xảy ra tôi không biết tiền đâu xoay xở, lo tương lai các con. Giờ tôi phải lập kế hoạch chi tiêu, để riêng một khoản phòng thân, chăm lo sức khỏe. Thà muộn còn hơn không".
Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều) có việc bán cơm, chồng đi làm. Hai người thỏa thuận khoản đóng góp hằng tháng để lo chung gia đình, con cái, phần dư còn lại, mỗi người tự quản lý. Nhờ nguồn quỹ này mà chị Thu thoải mái mua sắm, tiệc tùng, du lịch, không cần phải hỏi chồng. Hai năm nay, do con gái lập gia đình về ở chung, chị bận bịu phụ lo các cháu nên nghỉ bán cơm. Bù cho nguồn thu này là phần đóng góp của con và chồng tăng thêm tiền chợ. Những khi có thời gian rảnh, chị làm bánh, kem chuối bán. Do khéo léo tính toán nên chị luôn có khoản dư để dành. Ðâu chỉ sử dụng cho bản thân, nhờ quỹ riêng này mà chị nhiều lần giúp giải quyết tài chính khi người thân có việc đột xuất. Chị Thu chia sẻ: "Phụ nữ không nên để phụ thuộc hoàn toàn về kinh tế vì như vậy sẽ khó cân bằng cuộc sống, ảnh hưởng các mối quan hệ. Nhiều người cho rằng vợ chồng lập quỹ riêng là không tin tưởng nhau. Nhưng theo tôi, lập quỹ là cách hiệu quả để đảm bảo tài chính cá nhân. Lập quỹ riêng không phải là cắt xén tiền của chồng rồi giấu giếm riêng cho mình mà có thể do tự làm kiếm thêm hoặc vén khéo trong chi tiêu. Nói là quỹ riêng chứ thật ra đó cũng là khoản để phòng thân cho mình và gia đình khi hữu sự".
Hiện có không ít phụ nữ chọn kiểu sống chồng nuôi, nhìn tưởng sướng nhưng thực tế không hẳn vậy. Có những chị em muốn mua một cái áo, thỏi son… đều phải đợi cái gật đầu của người giữ tiền. Không phải ông chồng nào cũng vui vẻ đáp ứng, có trường hợp cằn nhằn, làm người nhận chẳng thấy vui. Nhiều chị tâm sự, đôi lúc muốn giúp đỡ người thân nhưng không biết xoay xở thế nào vì kinh tế chồng nắm hết. Bạn bè có mời tiệc tùng, vui chơi thì cũng chật vật mới có khoản dư để tham dự. Thậm chí có không ít chị em hôn nhân không hạnh phúc nhưng chấp nhận, không dám ly hôn vì còn phụ thuộc kinh tế…
Phụ nữ có nhiều thứ phải chi tiêu, nếu lúc nào cũng xin tiền chồng hoặc chán nản bỏ mặc luôn bản thân, đều không ổn. Vì vậy, có khoản tích cóp riêng là điều cần thiết. Khi có sự chủ động về mặt tài chính, chị em sẽ yên tâm và sống tốt hơn cho mình, có thêm động lực chăm lo con cái, vun đắp gia đình.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH