06/04/2009 - 08:02

Quy định chi tiết thi hành Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp

(Chinhphu.vn)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2009/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm.

Khi có Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương, Thủ tướng Chính phủ căn cứ tình hình thực tiễn, quyết định thành lập Bộ Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng để tổ chức, chỉ huy và điều hành thống nhất.

Bộ Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng gồm: Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và một số lãnh đạo Bộ, ngành có liên quan.

Bộ Chỉ huy sẽ trực tiếp ra quyết định, mệnh lệnh, chỉ thị cụ thể và áp dụng các biện pháp đặc biệt để thi hành nhiệm vụ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

Trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Bộ Chỉ huy có quyền hạn chế hoặc đóng cửa khẩu biên giới, sân bay, bến cảng và hoạt động trên lãnh hải Việt Nam; thiết lập khu vực cấm bay, hạn chế hoặc đình chỉ các chuyến bay quá cảnh qua khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Đồng thời tiến hành bảo vệ các mục tiêu như các cơ quan đầu não và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương; các đài phát thanh, truyền hình, bưu điện, đơn vị thông tin, cơ quan thông tấn, trụ sở các cơ quan ngoại giao; biên giới quốc gia và các cửa khẩu biên giới; các khu quân sự, công trình quốc phòng và các công trình quan trọng khác của Nhà nước.

Việc thi hành Lệnh thiết quân luật và Lệnh giới nghiêm, chỉ áp dụng trong tình trạng một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong trường hợp thi hành Lệnh thiết quân luật, người chỉ huy quân đội được phép cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng; cấm biểu tình, bãi công hoặc các cuộc tụ tập đông người trái phép; kịp thời giải tán các cuộc biểu tình, bạo loạn...

Trong trường hợp thi hành Lệnh giới nghiêm thì chỉ cấm người, phương tiện đi lại trong những giờ nhất định, tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép đi lại theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện Lệnh giới nghiêm. Đồng thời, cấm tụ tập đông người, đình chỉ hoặc hạn chế các hoạt động tại một số nơi công cộng trong những thời điểm nhất định. Khi thực hiện những Lệnh này thì điều tiên quyết là mọi quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân luôn được pháp luật bảo vệ.

MAI HƯƠNG

Chia sẻ bài viết