* Tạo môi trường, điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn
(TTXVN)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật việc làm.
Đa số các đại biểu thống nhất cơ bản về sự cần thiết ban hành Luật việc làm nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng: “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”. Hiện nay, mới có khoảng 33% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Việc ban hành Luật việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Chính sách việc làm tích cực sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Nhiều đại biểu tán thành với việc quy định đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề trong dự án luật việc làm. Một số đại biểu đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Đồng thời, ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự án luật các quy định về nguyên tắc kỹ năng nghề quốc gia phải tiếp cận với chuẩn mực kỹ năng nghề quốc tế, phù hợp với giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về tổ chức dịch vụ việc làm; về chính sách hỗ trợ tạo việc làm; về thông tin thị trường lao động
Chiều 19-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và biểu quyết thông qua: Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật phòng, chống thiên tai.
Với sự tán thành của 90,36% đại biểu có mặt, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh gồm 8 Chương, 47 Điều, có hiệu lực thi hành từ 1-4-2014, quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Theo quy định của Luật, Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh, có chính sách ưu tiên đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền, tài sản cho giáo dục quốc phòng và an ninh. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong giáo dục quốc phòng và an ninh được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Luật nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đáng chú ý, giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua với 91,37% số đại biểu có mặt tán thành.
Theo đó, mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây: Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng; chuyển nhượng vốn; dịch vụ tài chính phát sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này.
Luật cũng bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2014, trừ quy định thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở được thực hiện từ 1-7-2013. Giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
91,57% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quy định về thuế suất được sửa đổi, bổ sung như sau: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1-1-2016. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Với 91,97% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống thiên tai gồm 6 Chương, 47 Điều, có hiệu lực thi hành từ 1-5-2014, quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai.
Theo quy định của Luật, Quỹ phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp tỉnh; hình thành từ nguồn đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn; công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật và các nguồn hợp pháp khác.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; thành viên của Ban chỉ đạo bao gồm đại diện lãnh đạo của một số bộ, cơ quan có liên quan và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.