16/11/2011 - 08:35

KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Quốc hội thảo luận 2 dự án luật

(TTXVN)- Sáng 15-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự án Luật phòng, chống rửa tiền.

Qua thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống rửa tiền. Tội rửa tiền đã được quy định trong Bộ Luật hình sự của nước ta, tuy nhiên các quy định về phòng và xử lý bằng biện pháp hành chính mới được quy định trong các văn bản dưới luật. Luật phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ Luật hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước ta với các tổ chức quốc tế. Đồng tình với việc cần thiết có Luật phòng, chống rửa tiền nhưng đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) bày tỏ sự băn khoăn cho rằng việc ban hành Luật này chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của Tổ chức phòng chống rửa tiền quốc tế mà chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu thực tế của Việt Nam. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc để bảo đảm nội dung an ninh quốc gia trong dự án Luật. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế có quan điểm trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta thì hoạt động rửa tiền ở Việt Nam là có khả năng xảy ra. Tuy nhiên đề nghị cần làm rõ hơn quan điểm xây dựng luật, nhất là quan điểm về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền là cần thiết, tuy nhiên phải phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của nước ta.

Bàn về cơ quan phòng, chống rửa tiền, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nội dung này. Dự án Luật quy định: Cơ quan phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phòng, chống rửa tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định (Điều 43). Bên cạnh một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) không tán thành cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đại biểu lập luận, rửa tiền là một loại tội phạm nên chủ trì phải là cơ quan điều tra phòng chống tội phạm. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị giao Bộ Công an quản lý và ngân hàng chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện. Đại biểu cũng đề xuất dự án Luật phải làm rõ các loại hành vi rửa tiền (chứ không chỉ là những biện pháp nhận dạng), đồng thời quy rõ trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan trong phòng, chống rửa tiền. Tán thành với quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Phương lập luận, theo khái niệm rửa tiền trong dự Luật thì việc rửa tiền không chỉ liên quan tới ngân hàng mà còn liên quan tới lĩnh vực khác. Các cơ quan khác, trên góc độ của mình chỉ phát hiện những dấu hiệu vi phạm, còn việc kết luận có hay không hành vi rửa tiền phải điều tra, nên giao cho Bộ Công an là hợp lý. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đề nghị ngân hàng là đơn vị chủ trì sẽ phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính.... cùng thực hiện. Không cùng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) không tán thành giao cho ngân hàng hay Bộ Công an mà cho rằng cơ quan phòng chống rửa tiền phải là một cơ quan đặc biệt gồm các chuyên gia của các ngành (ngân hàng, công an, tài chính...) trực thuộc Chính phủ. Ủy ban Kinh tế tán thành việc đặt Cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên lưu ý đây chỉ là cơ quan đầu mối. Việc phòng, chống rửa tiền trong các ngành, lĩnh vực phải do các cơ quan chuyên ngành trực tiếp thực hiện.

Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giám định tư pháp, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với việc ban hành luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác giám định.

Một số ý kiến tán thành với những quy định nhằm xã hội hóa công tác giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, tại buổi thảo luận này, khá nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc chủ trương xã hội hóa đối với lĩnh vực rất nhạy cảm này.

Cho rằng, việc xã hội hóa giám định tư pháp là không khả thi, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nêu vấn đề, giám định tư pháp có ý nghĩa quyết định đến việc có hay không bỏ lọt tội phạm. Lĩnh vực này phải đầu tư lớn, cần có đội ngũ vũ trang bảo vệ nên nếu để các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước đảm nhiệm dễ dẫn đến việc thiếu khách quan trong các kết luận giám định do các sức ép bên ngoài.

Liên quan đến chuyển cơ quan giám định tư pháp từ ngành Công an hiện nay sang ngành Y tế nhằm bảo đảm chất lượng chuyên môn. Một số đại biểu đề nghị nên giữ nguyên ở ngành Công an nhằm bảo đảm hiệu quả điều tra. Các đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh), Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) cho rằng, công tác giám định tư pháp liên quan chặt chẽ đến công tác điều tra các vụ án đòi hỏi sự chính xác và tính bí mật cao. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ công an pháp y hiện nay được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu công việc. Do vậy, việc giữ nguyên cơ quan giám định tư pháp tại ngành Công an là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, ngành công an và y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi nghiệp vụ trong công tác giám định tư pháp.

Chia sẻ bài viết