27/11/2021 - 19:59

Quản trị nguồn nước để ĐBSCL không chìm trong tương lai 

“Sụt lún, sạt lở đang đe dọa sự tồn tại của ĐBSCL” - ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL chia sẻ tại hội thảo trực tuyến Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại ĐBSCL sáng 26-11-2021. Sụt lún đất ở ĐBSCL nếu không được kiểm soát có thể khiến đồng bằng chìm xuống dưới mực nước biển, làm tăng theo cấp số nhân những thách thức và chi phí bảo vệ đất đai khỏi tình trạng ngập lụt thường xuyên.

Sụt lún làm gia tăng ngập lụt. Trong ảnh: Triều cường ở TP Cần Thơ trung tuần tháng 11-2021.

“Con tàu” ĐBSCL đang chìm

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ĐBSCL đang sụt lún 1cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7cm/năm (số liệu từ 2005-2017) tại một số địa điểm. Hai tác nhân chính được xác định gây ra sụt lún ở quy mô lớn, ở cấp khu vực là quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm quá mức. Để quản lý tình trạng khai thác nước ngầm, Chính phủ ban hành Nghị định 167/2018/NĐ-CP (Nghị định 167) quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, Bộ TN&MT đang thúc đẩy các địa phương thực hiện, mục tiêu hoàn thành trong tháng 2-2022.

Nghị định 167 yêu cầu từng địa phương xác lập nơi nào được khai thác nước ngầm với số lượng bao nhiêu. Theo các chuyên gia, việc phân vùng là một biện pháp tiềm năng để quản trị sụt lún, nhưng không giải quyết được sụt lún của vùng. ThS Nguyễn Hữu Thiện, cho biết: Nghị định 167 là phân vùng theo chiều ngang, không theo chiều sâu. Có đến 7 tầng chứa nước ngầm theo chiều sâu, việc phân vùng theo chiều ngang vẫn có thể đè 1 tầng nước nào đó và bỏ qua tính phức tạp của các tầng chứa nước. Nếu các địa phương có cùng tầng nước ngầm, dù hạn chế khai thác, nhưng tỉnh kế bên khai thác vẫn sụt lún như thường.

ThS Nguyễn Hữu Thiện cũng cho biết, hiện nay dữ liệu về sụt lún và khai thác nước ngầm chỉ có ở cấp vùng, chưa có dữ liệu riêng từng tỉnh. Việc thiếu tương quan về khối lượng khai thác nước ngầm và tốc độ sụt lún, nên không biết khai thác nước ngầm bao nhiêu thì gây sụt lún. Nhiều giếng khoan nhỏ trong vùng không có đăng ký với địa phương nên khó quản lý. Mặt khác, nước mặt sông ngòi, kênh rạch bị ô nhiễm do quá trình sản xuất nông nghiệp. Lấy nước sông xử lý thành nước sạch cấp cho dân chi phí lớn, giá nước sẽ rất cao. Trong khi nước dưới đất chất lượng tốt hơn, chi phí xử lý rẻ hơn.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, các nhà đầu tư muốn vào tỉnh nào đó đầu tư, mà địa phương buộc họ sử dụng nước mặt sông ngòi, không cho sử dụng nước ngầm thì tính hấp dẫn đầu tư không có. Kết quả người ta vẫn thích sử dụng nước ngầm hơn. Đây là vấn đề tiến thoái lưỡng nan. Không sử dụng nước ngầm thì không kêu gọi được đầu tư mà sử dụng nước ngầm quá mức thì “con tàu” ĐBSCL sẽ chìm.

Liên kết quản trị nguồn nước

Quản trị nước ngầm để quản lý sụt lún đang trở nên cấp bạch ở ĐBSCL. Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Bộ TN&MT đã hợp tác thực hiện Dự án Quản trị sụt lún và quản lý nước ngầm ở ĐBSCL thời gian 15 tháng (2020-2021). Dự án là sự tiếp nối những nỗ lực của dự án Hợp tác nghiên cứu Hà Lan - Việt Nam Rise and Fall (NWO-WOTRO tài trợ bởi Đại học Utrecht, Deltares, Đại học Cần Thơ và các đối tác Việt Nam). Dự án chọn 4 địa phương TP Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang để thực hiện thí điểm. Công ty tư vấn Arcadis là tư vấn chính cho dự án, liên danh với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Đại học Cần Thơ và Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC - Đại học quốc gia TP HCM), cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này ở ĐBSCL.

Phân vùng theo Nghị định 167:

- Vùng 1: Dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có); đây là các vùng thường xảy ra sự cố liên quan đến nước dưới đất.

- Vùng 2: Hạn chế khai thác nước dưới đất dựa trên mực nước động trong giếng khai thác vượt quá mực nước động cho phép.

- Vùng 3: Hạn chế khai thác nước dưới đất dựa trên thời hạn hiệu lực của giấy phép khai thác; việc khai thác được tiếp tục cấp phép mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của Luật tài nguyên nước.

- Vùng 4: Hạn chế khai thác nước dưới đất với lưu lượng trên 10.000 m3/ngày trở lên.

- Vùng hỗn hợp: Trường hợp có các khu vực hạn chế từ vùng 1 đến 4, bị chồng lấn nhau, thì phần diện tích chồng lấp được khoanh định vào vùng hạn chế hỗn hợp.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ cho các địa phương xây dựng chính sách quản trị nhằm giải quyết những thách thức sụt lún đất và quản lý nước ngầm. Dự án đưa ra 4 thông điệp chính là: Sụt lún đang là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL. Sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt. Khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân chính gây sụt lún. Để tránh thiệt hại trên diện rộng, việc khai thác nước ngầm cần phải được giảm xuống mức bền vững.

ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, vấn đề nan giải là hầu hết các tỉnh không đủ kinh phí, kỹ thuật thực hiện phân vùng theo Nghị định 167. Các địa phương không đủ nguồn lực để làm và phải thuê tư vấn, chất lượng tư vấn mỗi tỉnh khác nhau làm cho chất lượng phân vùng cũng khác nhau. Thiếu một quy hoạch chung, chồng chéo trong thực hiện nghị định, nhiều tỉnh có cùng tầng nước ngầm nên tỉnh này bị ảnh hưởng bởi khai thác của tỉnh kia. “Tầng nước ngầm là của chung của toàn vùng, nhưng giờ cắt ra phân vùng theo ranh giới hành chính từng tỉnh mà không có quy hoạch chung giống như Quy hoạch tích hợp tổng thể ĐBSCL thì rất khó quản lý” - ThS Thiện nói.

Bất cập còn nằm ở quy định cấp phép khai thác nước ngầm. Tỉnh cấp phép khai thác công suất dưới 3.000m3/ngày đêm, còn trên 3.000m3/ngày đêm do Bộ TN&MT cấp phép, trong khi không có sự phối hợp giữa Bộ và địa phương. ThS Thiện dẫn chứng như TP Cần Thơ có kế hoạch cắt giảm 50% công suất khai thác nước ngầm cho giai đoạn tới, nhưng không thể thu hồi giấy phép do Bộ TN&MT cấp. Đề xuất bộ thu hồi thì bộ trả lời chưa có cơ sở để thu hồi vì địa phương chưa quy hoạch quản lý tài nguyên nước, mà quy hoạch này phải chờ Quy hoạch tích hợp ĐBSCL (hiện chưa được Trung ương thông qua). Các doanh nghiệp “lách” bằng cách xin khai thác hơn 3.000m3/ngày đêm thì địa phương không can thiệp được.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, quản lý khai thác nước ngầm cần kế hoạch tổng thể dùng chung cho cả vùng. Các địa phương có cùng tầng chứa nước bị ảnh hưởng lẫn nhau trong khai thác thì cần liên kết liên tỉnh và Bộ TN&MT đứng ra điều phối. Để hợp tác cần có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các địa phương và cần có đối thoại giữa bộ và Sở TN&MT địa phương để thực hiện hiệu quả Nghị định 167. Có chế tài xử lý vi phạm về khai thác nước ngầm. Đồng thời thúc đẩy nhanh cải cách nền nông nghiệp theo Nghị quyết 120 của Chính phủ để góp phần phục hồi sông ngòi cho ĐBSCL. Nếu chi phí xử lý nước mặt sông ngòi cho sinh hoạt và sản xuất rẻ hơn nước ngầm sẽ hạn chế khai thác nước ngầm.

Cần quy hoạch tổng thể ĐBSCL về quản lý nước ngầm với sự tham gia của các bên liên quan. và tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý nước ngầm. “Nhức nhối của nông nghiệp là sản xuất quá nhiều số lượng, làm nước mặt của sông ngòi không sử dụng được nữa và chỉ sử dụng nước dưới chân. Và chúng ta đang sụt lún. Nếu tính toán đủ thì nông nghiệp lỗ chứ không lời. Cần cải cách nền nông nghiệp để phục hồi sông ngòi, mới có hy vọng chuyển sang sử dụng nước mặt sông ngòi như cách đây vài chục năm. Song song đó, thu thập thông tin thêm từ nhiều nguồn, tiến hành nghiên cứu để giải quyết vấn đề thiếu dữ liệu thông tin quan trắc. Làm rõ mối quan hệ giữa khai thác nước ngầm và tốc độ sụt lún. Nâng cao nhận thức các bên về sụt lún của đồng bằng” - ThS Thiện khẳng định.

Mỗi ngày, ĐBSCL khai thác khoảng hơn 2 triệu m3 nước ngầm, chưa kể lượng khai thác từ các giếng khoan gia đình. 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết