10/11/2024 - 16:04

Quan tâm, tạo điều kiện để người yếu thế có việc làm, thu nhập ổn định 

Cùng với thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định, việc quan tâm, tạo điều kiện để người yếu thế có việc làm, thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống được các ngành, các cấp trên địa bàn TP Cần Thơ chú trọng. Qua đó, giúp người yếu thế tự tin hòa nhập cộng đồng, góp phần vun đắp niềm tin, hướng đến tương lai.

Hội viên NKT được hỗ trợ xe lăn, tạo điều kiện đi lại, làm việc thuận tiện.

Mới đây, Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật TP Cần Thơ phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp điều kiện người khuyết tật (NKT). Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố lắng nghe những chia sẻ, mong muốn của chị em, giải đáp các thắc mắc và sẵn sàng kết nối, tạo việc làm, giúp chị em có thu nhập và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Theo chị Huỳnh Thúy Niềm, Phó Chủ tịch Hội NKT thành phố, Hội NKT thành phố quan tâm kết nối các tổ chức trong và ngoài nước giới thiệu hội viên học miễn phí các nghề thủ công mỹ nghệ, thiết kế đồ họa, chỉnh sửa hình ảnh, bán hàng online, may, làm bánh, pha chế thức uống, điện cơ… Chị Trần Thị Mai Hân, hội viên NKT ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, đang học nghề làm bánh, pha chế thức uống miễn phí tại Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL, bày tỏ: “Sau hơn 1 tháng học nghề, tôi nắm bắt công thức cơ bản để chế biến bánh kem, bánh bao và pha chế các loại nước uống, như trà sữa, trà trái cây, cà phê muối. Khi có cơ hội, tôi sẽ học thêm để nâng cao tay nghề và phối hợp mở hướng kinh doanh”. Chị Ôn Thị Hồng Nhan, hội viên NKT quận Bình Thủy, sẵn sàng tham gia hầu hết lớp dạy nghề miễn phí về tin học, thiết kế đồ họa, chỉnh sửa hình ảnh để nâng cao kiến thức, kỹ thuật nghề, kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực về ý chí nỗ lực vượt khó học nghề của NKT. Nhờ được hỗ trợ xe lắc, vay vốn và học nghề thủ công mỹ nghệ mà chị Đỗ Thị Ngọc, hội viên NKT quận Ninh Kiều tự mua nguyên liệu để làm các sản phẩm, bán dạo tại các điểm vui chơi, du lịch trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Từ năm 2017 đến nay, Hội NKT thành phố hỗ trợ 363 lượt hội viên vay trên 2,73 tỉ đồng để kinh doanh, mua bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ 295 xe lăn, xe lắc để NKT làm phương tiện di chuyển, mua bán thuận tiện.

Ông Hoàng Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Người mù TP Cần Thơ, cho biết, Thành hội phối hợp thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người mù ổn định cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, có 147 lượt hộ người mù vay trên 3,8 tỉ đồng để sản xuất, mua bán nhỏ, 839 người mù có việc làm, thu nhập ổn định; trong đó, có 51 người mù làm nghề xoa bóp, bấm huyệt, thu nhập bình quân từ 4-8 triệu đồng/người/tháng, tùy tay nghề, góp phần ổn định cuộc sống. Nếu như lúc mới biết nghề kết cườm, chị Dương Thúy Vân, hội viên người mù ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, chỉ làm cầm chừng một số móc khóa theo đơn đặt hàng và cùng con trai đi bán lẻ, bán dạo tại các địa điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí, thì giờ chị Vân làm thường xuyên, với nhiều mẫu mã, như bóp tiền, bình hoa, con thú... cho một số cơ sở kinh doanh, hội, đoàn thể. Chị Vân cho biết: “Tôi làm nghề kết cườm từ năm 2017 nhưng có thu nhập thường xuyên khoảng 3 năm nay, từ 2,5 triệu đồng/tháng. Hiện tôi vay vốn, mua nguyên liệu làm các sản phẩm để bán dịp lễ, Tết  sắp tới. Tôi thấy cuộc sống dần khởi sắc và thật sự ý nghĩa”. Đối với vợ chồng chị Thái Thị Nga, hội viên người mù ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, có trên 7 năm làm nghề xoa bóp tại một cơ sở ở phường Cái Khế, thu nhập từ 7 triệu đồng/người/tháng, đủ trang trải chi tiêu gia đình. Chị Nga nói: “Nghề này khá phù hợp điều kiện của vợ chồng tôi, có thu nhập ổn định. Chúng tôi luôn nỗ lực làm việc, tích lũy để chăm lo con cái học hành đến nơi đến chốn”.      

Hơn 3 năm nay, Trung tâm Công tác xã hội thành phố duy trì tốt mô hình làm khung hình, với 12 em độ tuổi thiếu nhi tham gia. Qua đó, không chỉ trang bị nghề nghiệp phù hợp, mà còn rèn luyện các em thói quen làm việc nhóm có nội quy, kỷ luật; quý trọng giá trị đồng tiền do sức lao động làm ra. Ngoài ra, Trung tâm giới thiệu các em có nhu cầu theo học các lớp dạy nghề trang điểm, pha chế, đan, móc...    

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, thành phố đang triển khai thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, trong đó, quan tâm hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm phù hợp cho NKT; mô hình NKT khởi nghiệp; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động khuyết tật, yếu thế được vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô hoạt động, việc làm.  

Theo bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, bên cạnh hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, tạo việc làm tại chỗ cho các đối tượng yếu thế, thành phố đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, với các chính sách hỗ trợ về đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trung cấp, cao đẳng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Các hội đặc thù trên địa bàn thành phố quan tâm nghiên cứu, vận dụng, hướng dẫn hội viên, con em hội viên được thụ hưởng các chính sách để có việc làm, thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết