19/08/2009 - 07:59

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lương Lê Phương:

Quan tâm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cả đối với hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ nội địa

(CT)- Hôm qua (18-8-2009), Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình vệ sinh ATTP tại TP Cần Thơ.

Nội dung kiểm tra chủ yếu của Đoàn trong lần đầu đến Cần Thơ này là vấn đề vệ sinh ATTP đối với các sản phẩm rau màu, thủy sản và các loại thịt (heo, gia cầm, trâu, bò,..) từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Đoàn đi kiểm tra thực tế tại một số vùng và địa điểm sản xuất rau màu, nuôi trồng thủy sản, nhà máy chế biến thủy sản, lò giết mổ gia súc và các chợ ở thành phố. Theo đánh giá của các thành viên trong đoàn, công tác vệ sinh ATTP tại Cần Thơ được quan tâm và có sự tham gia phối hợp tốt giữa các sở, ngành. Sản phẩm thịt bày bán ở chợ được quản lý, đóng dấu kiểm dịch. Thành phố cũng xây dựng được các mô hình liên kết trong chăn nuôi và chế biến thủy sản, đảm bảo chất lượng và đầu ra; xây dựng mô hình trồng rau màu sạch. Thực hiện việc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nên dễ quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều biểu hiện cho thấy việc chưa đảm bảo vệ sinh ATTP đối với các sản phẩm rau màu, thủy sản và các loại thịt, nhất là các sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đó là việc xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi và giết mổ, nhất là giết mổ gia súc và gia cầm chưa tốt. Hiện phần lớn gia súc được giết mổ dưới sàn nhà nhiễm bẩn nên nhiều mẫu thịt bị nhiễm khuẩn. Thành phố chưa có các sản phẩm rau màu được chứng nhận an toàn, người trồng rau màu còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép. Trong khi nhiều sản phẩm thủy sản ướp lạnh bán tại các chợ chưa được quan tâm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng như khi xuất khẩu...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, cho rằng: Cần Thơ cần phải quan tâm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cả đối với hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ nội địa, không được xem nhẹ khâu nào. Mục đích đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả người tiêu dùng trong và ngoài nước. Để làm được điều này, cần quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn của các sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ. Tới đây, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, thành phố cần tổ chức, quy hoạch lại việc sản xuất, giết mổ đảm bảo theo các tiêu chuẩn và quy trình an toàn như: xây dựng vùng sản xuất rau an toàn và có cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm, xây dựng lò giết mổ gia súc gia cầm tập trung hiện đại… Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến cho người dân am hiểu kiến thức vệ sinh ATTP trong cả quá trình sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết