23/11/2020 - 06:28

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Thanh tra (23/11/1945-23/11/2020)

Quan tâm công tác giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Công tác thanh tra phục vụ thiết thực cho sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra phụ thuộc rất nhiều vào việc lãnh đạo cơ quan quan tâm đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị của thanh tra. Công tác giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra (GSKT&XLSTT ) ở TP Cần Thơ thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.  

Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND thành phố và Thanh tra thành phố về công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra.

Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND thành phố và Thanh tra thành phố về công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra. 

Phòng GSKT&XLSTT thuộc Thanh tra thành phố chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015. Từ khi thành lập đến nay, Phòng đã tổ chức theo dõi, đôn đốc 128 kết luận thanh tra; đã kết thúc và xếp hồ sơ theo dõi đối với 109 kết luận thanh tra; đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc 19 kết luận thanh tra. Qua đó, đã theo dõi, đôn đốc, xử lý các vi phạm về kinh tế và thu nộp ngân sách nhà nước 104,705 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 95,36%. Ngoài ra, Phòng GSKT&XLSTT còn theo dõi, đôn đốc việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra hành vi sai phạm; đến nay đã xử lý vi phạm hành chính đối với 27 tập thể và 126 cá nhân, đồng thời chuyển cơ quan công an điều tra 4 vụ việc để xử lý theo quy định.

Trong công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, Phòng đã giám sát hoạt động của 132 đoàn thanh tra. Qua công tác giám sát, giúp các đoàn thanh tra chấp hành tốt hơn quy chế hoạt động đoàn thanh tra, đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật; chấp hành tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật của đoàn thanh tra, góp phần phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra khi thực hiện hoạt động thanh tra. Đến nay, chưa có thành viên nào của đoàn thanh tra vi phạm các điều cấm trong hoạt động thanh tra.

Từ năm 2015 đến nay, Phòng GSKT&XLSTT đã thực hiện kiểm tra 21 kết luận thanh tra. Công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh tra; đảm bảo các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra được các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm minh.

Bên cạnh đó, Phòng còn tham mưu lãnh đạo Thanh tra thành phố ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Thanh tra các sở ngành và Thanh tra quận, huyện trong công tác GSKT&XLSTT. Phòng đã tiến hành kiểm tra công tác theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra tại các sở, ngành, quận, huyện; qua đó đã chấn chỉnh những hạn chế thiếu sót, đồng thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt chức năng GSKT&XLSTT.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác GSKT&XLSTT, vẫn còn tồn tại một số bất cập. Hầu hết công chức được giao nhiệm vụ giám sát chưa được tập huấn giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, chủ yếu tự nghiên cứu các quy định của pháp luật và vận dụng kinh nghiệm thực tế để thực hiện. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra chưa đầy đủ và toàn diện. Công chức được giao nhiệm vụ giám sát chỉ thực hiện nhiệm vụ từ khi công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị; do vậy, việc giám sát không được toàn diện, không thể giám sát giai đoạn dự thảo báo cáo và kết luận của đoàn thanh tra. Các quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn thiếu và chưa hoàn thiện. Đến nay, Thanh tra Chính phủ chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể quy trình, nội dung và thẩm quyền thẩm định dự thảo kết luận thanh tra…

Theo ông Lê Đắc Cảnh, Phó Chánh Thanh tra thành phố, để tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác GSKT&XLSTT, Thanh tra Chính phủ cần hoàn thiện các quy định pháp luật trong công tác giám sát, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra và công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; ban hành quy định về quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; trong đó quy định cụ thể về nội dung, thẩm quyền trong việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

“Trong thời gian chưa có những quy định nêu trên, chúng tôi chỉ đạo Phòng GSKT&XLSTT tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng lực, trí tuệ của tập thể, khắc phục những hạn chế, khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”- ông Lê Đắc Cảnh cho biết.

Bài, ảnh: BÙI TUẤN ANH

Chia sẻ bài viết