(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 22-11, với 86,8% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015 cấp quốc gia.
Bằng việc thông qua Nghị quyết quan trọng này, Quốc hội (QH) hướng đến các mục tiêu: Bảo đảm quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm phát triển bền vững. Nghị quyết cũng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, có hơn 26,7 triệu ha đất được dành cho nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa hơn 3,8 triệu ha; diện tích đất dành cho phi nông nghiệp hơn 4,8 triệu ha, trong đó đất dành cho phát triển hạ tầng hơn 1,5 triệu ha.
Cũng trong buổi chiều nay, thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số đại biểu tán thành việc sớm ban hành luật này nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một số đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể nhằm thể hiện vai trò chăm lo, chăm sóc cho người lao động của công đoàn như sự tham gia của công đoàn trong việc hoạch định chính sách tiền lương, phúc lợi xã hội, đề bạt, khen thưởng... đối với người lao động. Liên quan đến quy định trong dự luật về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay có hàng ngàn người nước ngoài đang lao động hợp pháp tại Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, do vậy việc xem xét kết nạp họ vào tổ chức công đoàn là việc làm cần thiết, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định này sao cho phù hợp với các đạo luật đã ban hành và luật pháp quốc tế.
* Trước đó, trong buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong buổi làm việc đã có 28 đại biểu Quốc hội của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung chính sau: Quyền nghỉ hưu và tuổi nghỉ hưu; Số giờ làm thêm giờ; Nghỉ Tết âm lịch; Thang lương, bảng lương, mức tiền lương tối thiểu; Thỏa ước lao động ngành; Thời gian nghỉ thai sản; Tổ chức công đoàn; Đình công và giải quyết đình công...