15/09/2013 - 20:13

Phú Quốc cần cơ chế đặc thù để phát triển nhanh và bền vững

Phú Quốc là một huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, theo quyết định của Chính phủ thì đến năm 2015 sẽ trở thành thành phố trực thuộc của tỉnh Kiên Giang và đến năm 2020, Phú Quốc là trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao; khu kinh tế biển... Và đến năm 2030, Phú Quốc là Khu Kinh tế - Hành chính đặc biệt trực thuộc Trung ương, thành phố biển - đảo, trung tâm du lịch - dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, xuất phát điểm kinh tế của huyện đảo Phú Quốc rất thấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn yếu kém. Chủ trương và cơ chế chính sách đầu tư phát triển đảo Phú Quốc mặc dù được Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, nhưng đến tháng 10-2004 mới ban hành, khá muộn so với yêu cầu thực tế, nhưng chậm hoặc chưa triển khai thực hiện được do vướng một số luật, nghị định. Hiện nay, Phú Quốc gần như chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu tập trung kiến thiết, xây dựng, phát triển và nảy sinh nhiều những khó khăn, bất cập. Trong khi đó, từ nay đến năm 2020, quỹ thời gian chỉ hơn 6 năm, Phú Quốc còn khối lượng công việc rất lớn, quá nhiều phần việc phải làm khẩn trương, tích cực.

Cảng biển quốc tế Phú Quốc. Ảnh: LÊ SEN

Trong quá trình đầu tư phát triển, Phú Quốc có khối lượng công việc rất lớn, như về quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư với hơn 100 phương án, số tiền bồi thường trên 4.000 tỉ đồng, gần 3.800 hộ bị ảnh hưởng, số lượng đơn khiếu nại của nhân dân nhiều, có thời điểm chiếm hơn 60% đơn khiếu nại về đất đai toàn tỉnh… nhưng đội ngũ cán bộ, công chức của Phú Quốc phụ trách vấn đề này vừa thiếu lại vừa yếu chuyên môn nghiệp vụ.

Mặc dù, Phú Quốc đã thành lập Ban quản lý đầu tư phát triển đảo, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, giải quyết phần ngọn, không đủ cán bộ có tầm đảm đương những phần việc quan trọng, thiếu cán bộ có trình độ, năng lực cao, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, vốn đầu tư cho Phú Quốc không kịp thời, nhiều dự án phải thực hiện chậm lại, hoặc chưa triển khai được nên tiến độ xây dựng không đảm bảo so với kế hoạch và nhu cầu phát triển đảo Phú Quốc, nhất là hệ thống giao thông trên đảo.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Lộ trình dự kiến từ nay đến cuối năm 2015, huyện phấn đấu hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư; cơ bản hoàn tất khâu thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án của nhà đầu tư; cơ bản hoàn tất các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội trọng điểm của đảo… Đồng thời, từ nay đến năm 2016, nhiều dự án của nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành và chuẩn bị khởi công xây dựng mới. Như vậy, đến năm 2020, Phú Quốc sẽ có một số khu du lịch, dân cư, thể thao, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn cao cấp xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch.

Mặc dù là cấp huyện, nhưng Phú Quốc có sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế và khối lượng công việc hiện nay đồ sộ, vượt quá khả năng của huyện. Tổng vốn đầu tư Sân bay Quốc tế Phú Quốc 16.200 tỉ đồng, đến nay đã hoàn thành giai đoạn I khoảng 4.000 tỉ đồng và chuẩn bị xây dựng giai đoạn II; hệ thống giao thông đầu tư xây dựng trên đảo hơn 10.000 tỉ đồng; đường điện cáp ngầm Hà Tiên - Phú Quốc 110 KV vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng và nhiều dự án công trình quan trọng khác đã và đang triển khai thực hiện. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, huyện Phú Quốc đã có cơ chế chính sách tốt nhất để thực hiện, nhưng chưa áp dụng được do vướng một số luật, nghị định, nhất là về giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, miễn giảm thuế, mời gọi thu hút đầu tư, nguồn lực cán bộ…

Vậy để đạt những mục tiêu trên, Phú Quốc đang rất cần cơ chế chính sách đặc thù, linh hoạt, năng động phù hợp với thực tế địa phương và xu thế hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, bền vững, nhất là giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tỉnh trình Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đảo Phú Quốc. Đối với các quy hoạch phát triển ngành du lịch, kiến nghị tập trung rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép địa phương cơ chế linh động phù hợp theo tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của Phú Quốc. Việc quy hoạch đầu tư phát triển Phú Quốc phải tính đến tầm nhìn chiến lược; các cấp có thẩm quyền cần xem lại thấu đáo những vấn đề về thủ tục hành chính, nguồn lực, chính sách ưu đãi thuế, sử dụng đất đai một cách cụ thể, rõ ràng và nhất quán.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành Trung ương rất quan tâm, tích cực nghiên cứu, dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho Phú Quốc. Nhìn chung, các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho Phú Quốc đang được nghiên cứu xây dựng về tài chính, tín dụng; ưu đãi các loại thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; xuất - nhập cảnh, mua nhà ở và cư trú của người nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực; trình tự, thủ tục, thẩm quyền của bộ máy quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc… Tuy nhiên, các cơ chế chính sách này đòi hỏi phải rất đặc thù, linh hoạt, năng động và vượt trội, thông thoáng nhằm tạo động lực mạnh để thu hút các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội trọng điểm của đảo, thu hút được các nhà đầu tư lớn và có thương hiệu đầu tư các trung tâm du lịch, đô thị, thương mại, vui chơi giải trí, thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài nước có trình độ, năng lực, thu nhập cao đến sinh sống và làm việc tại Phú Quốc… Có như vậy, Kiên Giang mới đạt được mục tiêu xây dựng đảo ngọc Phú Quốc đến năm 2020 là trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế; khu kinh tế biển trở thành hiện thực. Đây còn là nền tảng, cơ sở nội lực để tiếp tục phát triển đến năm 2030, Phú Quốc là Khu Kinh tế - Hành chính đặc biệt trực thuộc Trung ương, một thành phố biển - đảo, trung tâm du lịch - dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

LÊ HUY HẢI (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết