28/11/2016 - 20:55

Phòng, tránh ung thư

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư (UT) Việt Nam vừa có buổi nói chuyện với các cán bộ y tế cơ sở ở TP Cần Thơ về phòng và điều trị UT. Phóng viên Báo Cần Thơ lược ghi một số thông tin về phòng, tránh bệnh UT như sau:

* 40% ca bệnh UT có thể phòng, tránh

 Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng nói chuyện phòng tránh ung thư với các cán bộ y tế ở TP Cần Thơ. Ảnh: H.HOA

UT không chỉ là một bệnh. UT có trên một trăm loại khác nhau. UT không lây lan. Tuy nhiên, khoảng 5%-10% trường hợp bị UT có mối liên hệ gia đình và gia tộc. Trong một số gia đình, UT xảy ra ở vài thành viên với tỷ lệ cao. Một số UT gắn với bệnh sử gia đình như vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, ruột già và nội mạc tử cung. UT có thể có một gen bất thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. UT mắt ở trẻ em là thí dụ điển hình. Khoảng 40% thừa hưởng một gen Rb đột biến từ cha hoặc mẹ.

UT không phải "trời kêu". UT là do con người, có thể phòng tránh được. Trong đó, thuốc lá là ví dụ điển hình, cứ 3 người bị UT thì một người là do khói thuốc lá. Thuốc lá chứa hơn 60 chất gây UT, khói thuốc lá không chỉ hại người hút mà cả người hít khói "ké", gây ra hơn 15 loại UT không chỉ ở phổi, miệng, họng, thanh quản, mà còn tăng nguy cơ UT ở dạ dày, tuyến tụy, bọng đái, ruột, thực quản, vú và cổ tử cung...

Bệnh nhiễm làm tăng gánh nặng UT. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, 20% gáng nặng UT do bệnh nhiễm. Trong đó, vi khuẩn HP (khoảng 50% - 60% các UT dạ dày liên quan đến H.pylori), vi rút viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và HPV (UT cổ tử cung) gây ra 15% các bệnh UT... Ngoài ra, theo Cơ quan quốc tế nghiên cứu UT ( IARC) ước tính, ăn uống không lành gây 1/3 gánh nặng UT. Thức ăn muối mặn, hun khói, ăn nhiều thịt đỏ, mỡ, ít rau quả, uống nhiều rượu, ít vận động, béo phì làm tăng nguy cơ bị UT, đặc biệt là UT dạ dày, đường ruột, vú... Đáng sợ nhất là các yếu tố nguy cơ gây UT bắt tay nhau như: vi rút HBV, HCV, bia rượu và độc tố aflatoxin liên thủ tàn phá lá gan hay vi khuẩn H.pylori, khói thuốc lá, thức ăn muối mặn "đánh hội đồng" dạ dày... Từ năm 2010, Hiệp hội Quốc tế chống UT (UICC) nhắn gởi mọi người trên hành tinh "40% số người mắc UT lẽ ra có thể phòng ngừa được".

* Phòng, ngừa UT

"Ăn cho lành, uống cho sạch" - Đó là lời khuyên của giáo sư Nguyễn Chấn Hùng. Theo giáo sư, y học chứng minh, bệnh theo miệng mà vào. Các loại UT liên quan ẩm thực là UT vú, nội mạc tử cung, ruột già, thận, miệng, họng, thanh quản và thực quản. Ăn cho lành, uống cho sạch, dành ưu tiên các loại rau, trái tươi, hột, củ, đậu nguyên trạng. Thực vật nên chiếm phân nửa hoặc hai phần ba bữa ăn. Thịt rất cần cho cơ thể nhưng dùng nhiều thịt không phải ăn lành. Thịt chứa nhiều chất béo gây UT, chế biến quá nóng, cháy khét sẽ mang thêm các chất sinh UT.

Giáo sư cũng khuyên giữ cân cho tốt, thể dục mỗi ngày. Dư cân, béo phì làm tăng nguy cơ nhiều loại UT, do cơ thể sản xuất nhiều estrogen và insulin, các hormon này kích hoạt UT. Thể dục làm giảm cân dư thừa, điều hòa hormon và giúp hệ miễn dịch. Việc xáo trộn giấc ngủ cũng liên quan bệnh UT. Năm 2007, IARC xác định "làm việc ca kíp ban đêm" có thể gây UT cho con người, tương tự tia cực tím hoặc khói xả từ động cơ diesel. Nguyên do xáo trộn giấc ngủ làm giảm lượng hormon mêlatônin. Mêlatônin giúp các tế bào của cơ thể chống lại các chất ôxi hóa, sửa chữa phân tử DNA, từ đó kiềm chế các tế bào UT và giúp hệ miễn dịch tăng sản xuất các tế bào tiêu diệt UT. Thiếu ngủ làm đời sống ngắn lại, gia tăng bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, huyết áp, béo phì, trầm cảm. Nhoài ra, người dân phải tích cực phòng ngừa, điều trị tốt các bệnh nhiễm như: viêm gan, viêm dạ dày... trước khi gây UT. Ngoài ra, theo IARC cần tránh xa khói thuốc lá.

UT có trên trăm loại, các triệu chứng báo động UT: Thay đổi thói quen của ruột, vết sùi loét không chịu lành, chảy máu bất thường (âm đạo, đi cầu ra máu, phân lẫn máu), cục u ở vú, ăn không tiêu, khó nuốt, ho dai dẳng hoặc khàn tiếng, rối loạn chung chung (suy nhược, sụt cân, nhức đầu, buồn nôn lặp đi lặp lại...). Ngoài ra, đối với các cháu nhỏ, nhức đầu, nôn mửa thường xuyên là triệu chứng coi chừng bướu trong não. Nhìn nghiêng như lé hoặc con ngươi sáng xanh như mắt mèo là triệu chứng coi chừng UT mắt. Bụng phình một bên có thể báo hiệu UT thận. Xanh xao, nóng sốt kéo dài nên nghi UT máu. Nặng bụng, đi tiểu, cảnh giác với bướu buồng trứng ở bé gái. Cũng theo giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, khi có các triệu chứng trên, phần lớn không phải UT nhưng người dân nên đi khám vì "UT biết sớm, trị lành. Nếu mà để trễ, dễ thành nan y".

H.HOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết