Công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ (VSTB) của phụ nữ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm. Thông qua thực hiện các chương trình, kế hoạch của thành phố về BĐG và VSTB của phụ nữ, đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ. Với những kết quả đạt được, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, Phó trưởng ban Thường trực Ban VSTB của phụ nữ thành phố, cho biết:
- Ban VSTB của phụ nữ các cấp trong thành phố thường xuyên phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; văn bản chỉ đạo của Ủy ban quốc gia VSTB của phụ nữ Việt Nam; các kế hoạch, chương trình quốc gia của thành phố có liên quan đến công tác BĐG và VSTB của phụ nữ. Trong đó, chú trọng tham mưu lãnh đạo đơn vị, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển về mọi mặt; quan tâm công tác cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ đảm bảo về chất lượng và có kế hoạch sử dụng phù hợp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; quan tâm tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ tuổi, là người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của từng cấp theo quy định. Phấn đấu đạt 60% cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
* Xin bà cho biết các mô hình tiêu biểu về BĐG và VSTB của phụ nữ trên địa bàn thành phố hoạt động đạt hiệu quả ra sao trong thời gian qua?
- Sở LĐ-TB&XH thành phố đã triển khai kế hoạch thực hiện hiệu quả 5 mô hình tại một số đơn vị, địa phương, gồm: Câu lạc bộ Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Tổ phòng, chống bạo lực giới; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; Hỗ trợ xã, phường xây dựng, sửa đổi Quy ước đảm bảo nguyên tắc BĐG và Cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Trung tâm Công tác Xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố. Qua triển khai thực hiện, các mô hình đã làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG trong đội ngũ cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân về nhiều mặt, đảm bảo cơ hội tham gia và hưởng lợi bình đẳng giữa nam và nữ trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tình hình bạo lực gia đình giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, chị em được tự do tham gia các hoạt động có ích cho xã hội và mạnh dạn đóng góp nhiều ý kiến có lợi cho giới nữ trong các buổi họp nhóm; được ưu tiên tham gia học các lớp nghề do địa phương tổ chức; quyền quyết định kế hoạch hóa gia đình, ít con để nuôi dạy tốt; được vay vốn để sản xuất, đứng chủ hộ trong gia đình, quyền được bình đẳng... Ngoài ra, có những đối tượng trước đây thường gây ra bạo lực gia đình, sau khi được tư vấn đều có suy nghĩ tích cực, biết sửa sai, biết chia sẻ, gánh vác công việc trong gia đình, giảm bớt tệ nạn xã hội, lo lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm “Phụ nữ đồng hành cùng vượt qua đại dịch COVID-19”, do Ban VSTB của phụ nữ TP Cần Thơ tổ chức.
* Để hoàn thành mục tiêu Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP Cần Thơ, Ban VSTB của phụ nữ thành phố có những giải pháp, kế hoạch gì, thưa bà?
- Ban VSTB của phụ nữ TP Cần Thơ tiếp tục tham mưu giải pháp, cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả công tác BĐG và VSTB của phụ nữ của thành phố. Đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền BĐG và triển khai hỗ trợ địa phương, đơn vị thực hiện các mô hình Nữ công nhân nhà trọ, Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, duy trì thực hiện các quy định về hỗ trợ xây dựng, sửa đổi Quy ước đảm bảo nguyên tắc BĐG, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, mô hình Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân, Phụ nữ khởi nghiệp...
Đối với các mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh ở cộng đồng và các mô hình liên quan đang được triển khai bởi các cơ quan, đoàn thể tại địa phương, cần tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả để có phương án hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động, hỗ trợ đối tượng tham gia, tăng lợi ích của các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có nhu cầu được trợ giúp. Tăng cường các hình thức tuyên truyền về mô hình để người dân biết và sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, khen thưởng, biểu dương đối với đội ngũ cán bộ, cộng tác viên nòng cốt. Phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Đối với các mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được xây dựng tại Trung tâm Công tác xã hội, tăng cường phối hợp cơ quan để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng liên quan cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, người gây bạo lực. Giới thiệu rộng rãi số điện thoại 18008065 cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Trung tâm Công tác Xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố để người dân liên hệ khi cần hỗ trợ. Đồng thời giới thiệu kết nối về Tổng đài điện thoại quốc gia khi người dân có nhu cầu.
* Xin cảm ơn bà!
KIM XUÂN (thực hiện)