02/01/2016 - 16:46

Phối hợp chống ngập cho các đô thị ĐBSCL

Ngập do triều cường, ngập do lũ ở tất cả các đô thị Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang… ngày càng sâu rộng với tốc độ nhanh chóng. Giải quyết tình trạng này cần sự phối hợp mạnh mẽ của các bộ, ngành hữu quan, của các địa phương trong vùng ĐBSCL.

* Đê bao gây ngập nặng hơn

Nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng thời gian qua, theo nhiều chuyên gia là do biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, việc xây dựng các cụm tuyến dân cư, hệ thống đê bao bảo vệ các làng, các đô thị ở vùng ngập sâu; do hệ thống đê bao chống lũ triệt để với chiều dài gần 20.000km để bảo vệ 6.000 ô ruộng trồng 3 vụ lúa, hệ thống bờ bao dài gần 18.000km để bảo vệ hơn 4.000 ô ruộng lúa 2 vụ. Việc xây đê bao đã gây cản trở dòng chảy, giảm diện tích tích trữ lũ cùng với các tác động của biến đổi khí hậu, làm cho chế độ mưa lũ thay đổi cực đoan, mực nước biển dâng, làm vấn đề ngập lụt ở ĐBSCL, đặc biệt ở các đô thị ngày càng gay gắt.

Một tuyến đường bị ngập ở TP Cần Thơ do triều cường. Ảnh: ANH KHOA

Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Na Uy năm 2013, do việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng Bán đảo Cà Mau phục vụ nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt, cùng với đất trầm tích mới, phát triển cơ sở hạ tầng,… đã dẫn đến lún sụt mặt đất hằng năm ở ĐBSCL khoảng 3cm, gấp 10 lần so với tốc độ của nước biển dâng. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì 20 năm nữa mức lún sụt đất có thể lên từ 1-1,3m.

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề ngập úng là do ĐBSCL chưa có quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chưa có quy hoạch toàn vùng với sự tham gia của hầu hết các ngành kỹ thuật, kinh tế - xã hội. Chủ yếu, ĐBSCL đang được quy hoạch theo từng ngành riêng lẻ với thời gian ngắn. Như ngành xây dựng chỉ quan tâm giải quyết chống ngập úng cho các nội ô đô thị, nhưng lại chưa chú ý tác động của các đô thị đó với toàn bộ ĐBSCL.

Để bảo vệ ngập úng cho các thành phố ven biển và trung tâm ĐBSCL, thời gian qua đã có các cách làm riêng lẻ như lập và phê duyệt quy hoạch bảo vệ cho TP Cần Thơ với diện tích được bảo vệ là gần 50.000ha, chia thành 18 ô bao, được bảo vệ bởi gần 300km đê và 35 trạm bơm tiêu. TP Vĩnh Long với diện tích được bảo vệ gần 5.000ha, được phân thành 15 ô bao và bố trí 8 trạm bơm tiêu cho vùng đô thị tập trung. TP Cà Mau với diện tích bảo vệ gần 15.000ha, chia làm 6 ô bao, được bảo vệ bởi 120km đê bao và 4 trạm bơm tiêu. Trong thời gian tới, nhiều đô thị của các tỉnh Tiền Giang, Long An, An Giang… cũng sẽ được quy hoạch, xây dựng nhằm chống ngập úng với những giải pháp tương tự.

Theo GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL có địa thế bằng phẳng, mọi biến động về chế độ thủy văn, nguồn nước đều tác động tới tất cả các vị trí, các đô thị trong đồng bằng, ngược lại mọi sự tác động vào các đô thị đều có tác động lan tỏa ra toàn vùng. Vấn đề tiêu nước và úng ngập ở các đô thị đều phụ thuộc vào chế độ nước trên đồng bằng. Nếu chỉ giải quyết tiêu nước cho một đô thị trong bối cảnh hiện nay sẽ không đồng bộ, sẽ tạo ra tác động xấu đối với những vùng xung quanh.

Cũng theo GS.TS Đào Xuân Học, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển tiếp tục dâng, lũ tiếp tục gia tăng, thân đê, nền đê và đặc biệt đất của ĐBSCL và các thành phố khu vực này vẫn tiếp tục lún sụt, xói lở gia tăng do thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn, thì khó có đủ nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và quản lý được đê bao. "Rủi ro sẽ luôn tồn tại và tiếp tục gia tăng theo thời gian" - GS.TS Đào Xuân Học đưa ra cảnh báo.

* Cần phối hợp chặt chẽ

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ đang thực hiện nhiều công trình chống ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng lõi đô thị thành phố. Song, mức độ thành phố bị ngập ngày một tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, cũng như sự phức tạp của khí hậu, thời tiết ngày một bất thường trên diện rộng, nên một mình TP Cần Thơ sẽ không đủ khả năng chống chịu mà rất cần sự hỗ trợ, phối hợp từ bên ngoài trong chống ngập úng đô thị cũng như thích ứng biến đổi khí hậu thời gian tới.

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Nhà nước cần phải tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch một cách đồng bộ từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên; từ đa ngành đến đơn ngành và từ các ngành riêng lẻ ngược lên đa ngành theo nhiều chu trình lặp. Việc có một cơ quan đầu mối tại ĐBSCL (hiện nay Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có khả năng làm việc này) làm đầu mối giúp Chính phủ trong tổ chức thực hiện, quản lý các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng trong vùng là hết sức cần thiết. Khi có một cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện và quản lý quy hoạch vùng, vẫn cần có sự phối hợp trong quy hoạch sử dụng đất; phối hợp trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của từng ngành và từng địa phương. Ngoài ra cần có sự phối hợp trong phát triển nguồn nhân lực, ban hành chính sách thu hút đầu tư; phối hợp trong khai thác và chia sẻ nguồn tài nguyên chung, cũng như trong bảo vệ môi trường, chống ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu mang tầm khu vực hiệu quả, phù hợp hơn.

ĐBSCL đang thu hút sự quan tâm của Nhà nước, nhà khoa học và cộng đồng dân cư để bảo tồn và phát triển trong bối cảnh đô thị hóa rộng khắp, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra sớm và ngày một khắc nghiệt. Chống ngập ở ĐBSCL, đặc biệt chống ngập cho các đô thị vừa đảm bảo được cơ sở hạ tầng, vừa ổn định được sản xuất, đảm bảo tính tự nhiên của môi trường là điều cần đặc biệt quan tâm trong phối hợp thực hiện phát triển bền vững ĐBSCL thời gian tới.

DUY KHƯƠNG

Chia sẻ bài viết