12/09/2009 - 09:02

Phân luồng học sinh sau THCS và THPT:

Phối hợp chặt giữa nhà trường và doanh nghiệp để hướng nghiệp cho học sinh

(CT)- Ngày 11-9-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT” tại 6 điểm cầu trên cả nước: TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, TP Đà Nẵng, TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An. Hội thảo do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong 2 năm học 2006-2007 và 2007-2008, trên 69% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp rất thấp chỉ từ 1,4% đến 3,1%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT theo học tại các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng thấp, ở khu vực ĐBSCL và Nam Trung bộ chỉ trên 5%. Nguyên nhân là do nhận thức của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, thông tin thị trường lao động nghèo nàn, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông còn yếu, các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu chính sách khuyến khích đối với học sinh học nghề... Từ thực tế này, các đại biểu đề xuất nên đổi mới giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông; đầu tư mở rộng qui mô các cơ sở dạy nghề, TCCN ở vùng khó khăn; đổi mới chương trình đào tạo và có chính sách khuyến khích đối với học sinh học nghề, TCCN... Các giải pháp này nhằm đạt mục tiêu thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và dạy nghề.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Để phân luồng học sinh hiệu quả cần tới sự chăm lo của toàn xã hội. Theo đó, 6 thành phần như: Nhà nước, nhà trường, gia đình, doanh nghiệp, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các phương tiện thông tin đại chúng phải cùng chung tay tạo sức mạnh toàn xã hội. Các địa phương cần rà soát lại chương trình hướng nghiệp sao cho phù hợp thực tế nhu cầu của học sinh như đẩy mạnh dạy nghề về du lịch tại các tỉnh có tiềm năng; cho học sinh tham quan các xí nghiệp, công ty ngay từ các lớp đầu cấp học để có thời gian tìm hiểu nghề nghiệp tương lai của bản thân... Công tác tuyên truyền cũng cần đặc biệt quan tâm để giúp người dân hiểu rõ nhu cầu thực tế của xã hội, tầm quan trọng của lao động phổ thông có chuyên môn kỹ thuật cao... Theo Phó Thủ tướng, để thu hút hơn nữa học sinh học nghề, học sinh lớp 9 khi theo học nghề sẽ được giảm học phí 50%; học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số được miễn 100% học phí. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần công khai tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp có việc làm để học sinh yên tâm theo học. Đặc biệt, cơ sở nào có tỷ lệ đào tạo theo địa chỉ từ 30% trở lên sẽ được ưu tiên đầu tư. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các doanh nghiệp phải tăng cường hỗ trợ cho ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp để mỗi doanh nghiệp trở thành đơn vị hướng nghiệp với nhiều hoạt động thiết thực (nhận học sinh tới tham quan, thực tập, tham gia đặt hàng các cơ sở đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo)...

B.NGỌC - N.ANH (TTXVN)

B.NGỌC - N.ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết