07/11/2019 - 08:58

Phát triển thương mại - dịch vụ vùng ngoại thành 

Xác định cơ sở hạ tầng là nền tảng để phát triển thương mại theo hướng hiện đại. Do đó, chính quyền các địa phương đã và đang đẩy mạnh thực hiện công tác cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng dự án đầu tư hạ tầng dịch vụ thương mại phù hợp với điều kiện và định hướng cho từng vùng, từng địa phương. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thương mại. Nhất là quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Chú trọng phát triển hạ tầng

Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Đáp ứng nhu cầu cũng như phát triển thương mại- dịch vụ trên địa bàn, huyện đã đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 8 chợ theo quy hoạch, gồm: Chợ xã Trường Xuân, chợ xã Trường Thành, chợ xã Đông Thuận, chợ xã Trường Xuân A, chợ xã Tân Thạnh, chợ xã Định Môn, chợ xã Đông Bình và chợ huyện Trung tâm thị trấn Thới Lai. Cùng với đó, huyện hoàn thành kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại như: Khu Thương Mại Trường Xuân, Mở rộng phát triển đô thị mới và nâng cấp chợ Thới Lai hiện hữu, Khu đô thị mới huyện Thới Lai…

Hoạt động mua bán tại chợ Thốt Nốt. 

Tương tự, tại huyện Cờ Đỏ, hệ thống chợ trên địa bàn được quan tâm, đầu tư khang trang, hiện đại. Theo ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ: Công tác phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại huyện thời gian qua luôn được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp và cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa của người dân. Tại các chợ đều thành lập Ban Quản lý và ban hành nội quy quản lý, các điểm kinh doanh được bố trí, sắp xếp riêng theo từng khu vực, theo từng mặt hàng thuận lợi cho người bán và người mua. Bên cạnh đó, chợ có đầy đủ hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, bố trí thùng rác và rác thải được thu gom hằng ngày đảm bảo vệ sinh... Huyện đang tiếp tục rà soát trên địa bàn các xã về nhu cầu nâng cấp các chợ, giao lưu, mua bán hàng hóa và từng bước điều chỉnh thành điểm mua bán cho phù hợp với quy hoạch của từng địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thúy An ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Chợ quê bây giờ cũng khang trang, hiện đại không kém ở đô thị. Hàng hóa phong phú, nhiều sản phẩm Việt Nam được tiểu thương bày bán. Chợ có Ban Quản lý nên người dân yên tâm hơn khi mua sắm hàng hóa rõ nguồn gốc và không lo tình trạng cân thiếu”…

Kiểm soát thị trường

Bên cạnh từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ, các địa phương thực hiện tốt quản lý thị trường, tăng cường chức năng quản lý nhà nước về chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển đa dạng hóa các ngành, nghề dịch vụ.

Với việc tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động thương mại- dịch vụ của quận Ô Môn không ngừng phát triển với tốc độ cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Tính đến đầu tháng 10-2019, tổng số cơ sở thương mại và dịch vụ trên địa bàn quận là 9.925 cơ sở với khoảng 18.106 lao động, tăng thêm 855 cơ sở so với đầu năm. Công tác bình ổn và kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện chặt chẽ; không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường.

Để đạt kết quả trên, ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: Quận tăng cường tiếp xúc với doanh nghiệp, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Đồng thời, kiểm tra, sắp xếp các ngành hàng của các chợ trên địa bàn. Quận tuyên truyền các hộ kinh doanh trong chợ không được mua bán các loại hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng; mua bán phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Là địa phương có hoạt động thương mại- dịch vụ diễn ra khá sôi động, Thốt Nốt đặc biệt quan tâm công tác đảm bảo ổn định thị trường. Tính đến đầu tháng 11-2019, quận tổ chức kiểm tra khoảng 114 lượt cơ sở kinh doanh, xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp 5,6 triệu đồng. Các trường hợp còn lại chủ yếu nhắc nhở, chấn chỉnh các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng... Từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm các hoạt động giao thương diễn ra sôi động, công tác quản lý, kiểm soát thị trường cần được quan tâm chặt chẽ.

Ông Võ Văn Tân, Chủ tịch UBND quận thốt Nốt, cho biết: Đảm bảo ổn định thị trường, quận xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, theo dõi diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt bình ổn giá. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về gian lận thương mại, tăng giá quá mức; việc thực hiện các quy định về chất lượng hàng hóa, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết