13/10/2014 - 20:18

Chợ nổi Cái Răng

Phát triển theo định hướng sinh hoạt văn hóa gắn với du lịch

Chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ đã tồn tại hơn 100 năm với những nét văn hóa đặc thù và độc đáo của cư dân miền sông nước Cửu Long. Ngày nay, chợ không còn sung túc như xưa, có nguy cơ dần bị thu hẹp bởi nhiều tác động. Lãnh đạo địa phương và ngành du lịch đang tìm hướng phát triển bền vững cho chợ nổi Cái Răng.

* Nét đẹp văn hóa miền sông nước Cửu Long

Chợ nổi Cái Răng hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX. Các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu xuống; các ghe chở lá lợp nhà, than đước, cà ràng từ miệt Cà Mau, Rạch Giá lên tụ họp, buôn bán tạo nên khu chợ sung túc trên sông. Theo thời gian, nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa ngày càng tăng, chợ nổi Cái Răng có thêm nhiều thương lái buôn bán rau củ quả, trái cây, dần trở thành chợ đầu mối rau quả ở vùng ĐBSCL. Ngày nay chợ xuất hiện thêm các hoạt động cung ứng dịch vụ ăn uống, sửa đồ, hàn điện, trạm xăng dầu nổi… Chợ nổi Cái Răng trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Mọi hoạt động của chợ diễn ra sôi nổi, náo nhiệt như một đô thị thu nhỏ trên sông, tạo thành nét chấm phá đặc thù trên bản đồ du lịch.

Khi mới hình thành, chợ nổi Cái Răng nằm ở điểm giao nhau của 4 con sông: Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn và Cái Răng Bé; đồng thời liền kề với chợ Cái Răng trên bờ. Theo thời gian, chợ di dời đến địa điểm hiện tại nằm trên sông Cần Thơ, trục đường thủy chiến lược sông Hậu- kênh xáng Xà No, không gian rộng và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy hơn trước kia. Chợ họp từ khoảng 5-6 giờ sáng, đến khoảng 8- 9 giờ thì vãn, với khoảng 250 ghe tàu mua bán hàng hóa, nông sản tụ họp kéo dài hơn 1km. Khi đến tham quan chợ nổi, du khách phải di chuyển bằng ghe tàu, len lỏi vào từng khoảng trống giữa các ghe neo đậu. Các tiểu thương nơi đây có cách chào mời hàng hóa khá độc đáo: "treo gì bán nấy" trên cây bẹo (một cây sào cao cắm phía trước hay đuôi ghe tàu). Nhưng có vài thứ trên chợ nổi không theo quy tắc này, hướng dẫn viên thường đố du khách thứ gì "treo mà không bán" (quần áo của khách thương hồ phơi trên ghe) hay "bán mà không treo" (thường là các ghe hàng ăn uống) hay "treo lá bán ghe" (ghe nào treo lá dừa hay các loại lá tương tự được hiểu là chủ muốn sang ghe). Chính những nét sinh hoạt độc đáo này đã tạo cho chợ nổi Cái Răng nói riêng và chợ nổi ĐBSCL nói chung sức hút với du khách gần xa, đặc biệt là khách quốc tế.

Du khách quốc tế trải nghiệm ẩm thực trên chợ nổi Cái Răng.

 

Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) đã bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, và được mô tả là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng "rực rỡ sắc màu nhiệt đới". Trang web youramazingplaces cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á, trong đó có đề cập đến chợ nổi của khu vực ĐBSCL, mà chợ nổi Cái Răng là một điển hình.

* Tìm hướng phát triển chợ

Hiện nay, chợ nổi Cái Răng đón bình quân hơn 450 khách/ngày, chưa kể lượng khách thuê tàu, ghe nhỏ bên ngoài tại các điểm tự phát như: chợ Cái Răng, bến Ninh Kiều, rạch Đầu Sấu, chân cầu Cái Sơn… Mặc dù là điểm thu hút lượng lớn du khách đến Cần Thơ, nhưng hiện trạng ở chợ nổi Cái Răng đang khiến nhiều người lo lắng, trăn trở. Năm 2005, chợ nổi Cái Răng có khoảng 550 chiếc ghe tàu neo đậu, hoạt động buôn bán trên sông sung túc, thì hiện nay, con số này đã giảm đi hơn nửa, chỉ còn khoảng 250 chiếc. Chợ đang dần thu hẹp, thương lái bỏ ghe lên bờ ngày càng nhiều.

Chợ nổi Cái Răng tồn tại như một phần của lịch sử - văn hóa Cần Thơ. Lâu nay, các ngành hữu quan chưa có sự đầu tư, định hướng phát triển bền vững, chỉ mới dừng lại ở sắp xếp, phân luồng để giữ an toàn giao thông đường thủy cho người dân và du khách. Trước thực trạng này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với quận Cái Răng và đưa ra kết luận số 193/TB-VPUB ngày 13-6- 2014, ghi rõ: "Giao Ủy ban nhân dân quận Cái Răng tổ chức lập đề án cụ thể nhằm quản lý, bảo tồn và khai thác chợ nổi Cái Răng". Từ đó, UBND quận Cái Răng đã có đề án "Cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng giai đoạn 2014-2016". Đề án đưa ra một số vấn đề như: thiết lập hệ thống phao tiêu phân luồng, tổ chức sắp xếp các ghe tàu neo đậu cố định, đầu tư xây dựng các điểm tập kết hàng hóa nông sản trên bờ, điểm dừng chân, nhà hàng nổi trên sông, nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách với tổng kinh phí dự kiến khoảng 26 tỉ đồng. Tuy nhiên, đề án vẫn chưa đưa ra những giải pháp cụ thể thiết thực phát huy chợ nổi; nhiều nội dung, hạng mục đề cập vẫn còn mang tính chất chung chung. Quận Cái Răng còn đang lúng túng vì chưa xác định rõ vai trò của chợ nổi Cái Răng.

Trên thực tế, chợ nổi Cái Răng còn đang chồng chéo về mặt quản lý giữa kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, nếu căn cứ trên những Quyết định: số 58/2006/QĐ-UBND, ngày 13-6-2006 về phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2015, định hướng đến 2020, trong đó có quy định chợ nổi Cái Răng (phường Lê Bình, quận Cái Răng) được phân loại là "Chợ văn hóa"; Quyết định số 67/2006/QĐ- UBND, ngày 17-8-2006 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch TP Cần Thơ từ năm 2010 định hướng đến 2020, xác định chợ nổi Cái Răng- Phong Điền là các điểm du lịch thì có thể khai thác và bảo tồn chợ nổi Cái Răng theo định hướng chợ văn hóa gắn với du lịch. Bà Triệu Tú Nga, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đặt vấn đề: "Làm sao để chợ nổi Cái Răng không chỉ là nơi bà con buôn bán đơn thuần mà cần tạo điều kiện để họ có thể mua bán, cung cấp các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, thu lợi từ nó thì các hoạt động trên sông mới bền vững, lâu dài". Theo đó, cần định hướng xây dựng chợ nổi an toàn, văn minh, các dịch vụ phụ trợ cho du lịch bổ sung ngay trên sông. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đề xuất: "Để bà con bám chợ, chúng ta nên có những cơ chế chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như tạo điều kiện cho con em họ được đi học, bà con được hưởng chế độ khám chữa bệnh miễn phí hoặc vay vốn lãi suất thấp".

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND thành phố, nhấn mạnh: "Tôn tạo và bảo tồn phải giữ nguyên hiện trạng tự nhiên của chợ nổi, không can thiệp sắp xếp. Tuyệt đối không thu thuế với các tiểu thương sống trên chợ nổi, ngoài ra bà con sẽ được xem xét hỗ trợ các chính sách về giáo dục, y tế". Đồng thời, ông Lê Hùng Dũng cũng chỉ đạo UBND quận Cái Răng phải lấy ý kiến của các tiểu thương trên chợ nổi để bám sát nguyện vọng của bà con, từ đó lập đề án sát thực tế và hiệu quả hơn.

Việc phát triển chợ nổi Cái Răng bền vững đang là vấn đề cấp thiết, được sự quan tâm của các ngành, các cấp của thành phố Cần Thơ. Mặc dù có vẻ trễ nhưng những động thái gần đây của lãnh đạo các cấp, đặc biệt có riêng đề án về chợ nổi Cái Răng cho thấy sự nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa chợ nổi của địa phương. Hy vọng, trong thời gian không xa chợ nổi Cái Răng sẽ sung túc với những hoạt động giao thương truyền thống đan hòa cùng dịch vụ du lịch theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết