25/09/2024 - 15:03

Phát triển tài sản trí tuệ, hiệu quả lâu dài và lan tỏa 

Tài sản trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của tổ chức, doanh nghiệp; bao gồm cả việc tạo ra giá trị kinh doanh, định vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, để phát triển tài sản trí tuệ bền vững, hiệu quả và lan tỏa tầm ảnh hưởng lâu dài, cần có một chiến lược toàn diện và những nỗ lực liên tục.

Trong những năm qua, ngành khoa học và công nghệ đã nổ lực triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ như một công cụ quan trọng chống gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ cho TP Cần Thơ. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố đã chủ động khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của từng tổ chức, cá nhân để hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ của thành phố. Sở KH&CN tham mưu UBND thành phố ban hành hệ thống các văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ có sự gắn kết chặt chẽ với các chủ trương, quyết sách của Trung ương và có sự lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình như: Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 24-11-2020 của UBND thành phố về việc thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2030; Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 1-11-2021 của UBND TP Cần Thơ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030; Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ.

Sau hơn 15 năm triển khai với 4 giai đoạn xây dựng và phát triển, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đã từng bước hoàn thiện, đa dạng về nội dung hỗ trợ, từ đó đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Hàng năm, Sở KH&CN hỗ trợ hơn 150 lượt tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền SHTT; tuyên truyền chính sách pháp luật về SHTT đến hơn 500 doanh nghiệp; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn cho hơn 500 lượt tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền SHTT; …Các hoạt động tuyên truyền đã tạo được sự chuyển biến nhanh về nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; thúc đẩy sáng tạo, tăng cường bảo hộ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu sáng tạo của các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ hướng tới nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của địa phương; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các thành quả nghiên cứu khoa học và các sản phẩm chủ lực thông qua một số nhiệm vụ: xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, phát triển thương hiệu mãng cầu Thới Hưng, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Cồn Sơn, chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn TP Cần Thơ.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030 hướng tới mục tiêu đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ cho khoảng 6.000 lượt tổ chức, cá nhân; tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của thành phố được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Sở KH&CN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức SHTT cho cán bộ quản lý, các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của các đối tượng sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số. Với quan điểm đưa SHTT trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết