29/05/2019 - 10:27

Phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức lại sản xuất 

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 quy định, để đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, các xã phải hoàn thành 2 chỉ tiêu: Xã có Hợp tác xã (HTX) hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững. Với các yêu cầu này, tiêu chí số 13 được đánh giá là tiêu chí khó đạt, dễ bị “rớt” trở lại nếu buông lỏng.

Vườn vú sữa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Vú sữa Trường Khương, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền.

► Nhiều nỗ lực

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 115 HTX nông nghiệp, với 2.028 thành viên, tổng diện tích hơn 2.749ha (trong đó 81 HTX trồng trọt, 4 HTX chăn nuôi, 13 HTX thủy sản và 17 HTX loại hình khác). Hằng năm, Sở NN&PTNT đều xây dựng kế hoạch củng cố hoạt động của các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém, giải quyết các HTX nông nghiệp ngừng hoạt động lâu ngày trên địa bàn thành phố. Tính đến cuối năm 2018, TP Cần Thơ đã giải thể, xóa tên và chuyển loại hình hoạt động 19 HTX. Nhìn chung, HTX nông nghiệp thời gian qua thể hiện vai trò trong việc tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau theo hướng quy mô lớn, giúp người nông dân cải thiện thu nhập, giảm chi phí, hạn chế rủi ro trong sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm...

Ông Nguyễn Văn Quận, xã viên HTX Nông nghiệp Thới Tân, huyện Thới Lai,  cho biết: “Trong năm 2018, lúa hàng hóa của chúng tôi được Công ty Cổ phần Gentraco bao tiêu với diện tích 215,6ha. Ngoài ra, HTX còn có 25ha sản xuất lúa giống cung cấp cho xã viên và cung ứng lúa giống cho Viện Lúa ĐBSCL. Lợi nhuận trong năm 2018 của HTX gần 5,44 tỉ đồng. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên gần 87,4 triệu đồng/người/năm”. Theo ông Huỳnh Quốc Nhựt, Giám đốc HTX Hiệp Mỹ Phát, huyện Cờ Đỏ, thấy được khó khăn của bà con trong khâu cung ứng dịch vụ nông nghiệp và tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đi sâu vào công tác ký kết hợp đồng bao tiêu lúa trong “Cánh đồng lớn”. Hiện HTX cung ứng dịch vụ nông nghiệp, như: Xới đất, cắt lúa, cung ứng vật tư nông nghiệp, lúa giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên trong HTX với diện tích 184 ha/vụ. Đồng thời, thực hiện được 5 vụ lúa liên kết với Công ty Vinacam thu mua lúa tươi cho các thành viên với sản lượng trên dưới 1.000 tấn/vụ.

Cùng với việc tập hợp nông dân vào HTX, Tổ hợp tác (THT) để tập trung phát triển sản xuất quy mô lớn, các mối liên kết theo chuỗi giá trị trong HTX, THT tiếp tục được nhân rộng, nâng chất. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các HTX, THT sản xuất sạch, an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đơn cử như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây lúa ở HTX Quyết Thắng 84ha, HTX Hiếu Bình 26,7ha, HTX Đồng Vạn 63ha (huyện Vĩnh Thạnh). Trên cây ăn trái có HTX Trường Thuận 1 với quy mô 9,85ha, Tổ Liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Phong Điền 7,55ha, HTX Vú Sữa Trường Khương A 45,5ha; HTX nhãn Nhơn Nghĩa 19,1ha (huyện Phong Điền); HTX Xoài Lộc Hưng 30,5ha (huyện Cờ Đỏ). Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên cây lúa có HTX Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh) với diện tích 100ha.

► Nâng chất các mối liên kết

Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất giúp “mở đường” cho nhiều xã hoàn thành các tiêu chí khác. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp thành phố nhìn nhận, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ và bền vững. Thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn còn rất hạn chế, chưa tạo cho người tiêu dùng cơ hội lựa chọn được các sản phẩm an toàn có nguồn gốc và chứng nhận. Ngoài ra, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, trình độ không đồng đều; hình thức tổ chức và hoạt động chưa ổn định. Do đó, khả năng đảm đương thực hiện hoạt động HTX như một doanh nghiệp chưa đáp ứng được, tầm nhìn về hoạt động kinh doanh dịch vụ của HTX thiếu và yếu, chưa nắm bắt kịp thời thông tin thị trường…

Nhận thức được vấn đề nêu trên, nhiều HTX đã vạch rõ lộ trình, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Quận, xã viên HTX Nông nghiệp Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Trong năm 2019 này, chúng tôi tiếp tục xác định sản xuất lúa giống là trọng điểm nâng diện tích lúa giống 30 ha/năm. Đồng thời, duy trì mối liên hệ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để giải quyết đầu ra cho lúa giống và lúa Jasmine 85, OM5451 và Đài Thơm 8”. HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Mỹ Phát tiếp tục phấn đấu sản xuất kinh doanh dịch vụ có lãi, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nhất là nông dân nghèo, nông dân thiếu vốn sản xuất, giảm giá thành các loại dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị cấp ủy, HĐND, UBND xã chỉ đạo, khuyến khích các chi bộ, Ban Nhân dân ấp và đông đảo bà con nông dân tiếp tục tham gia đóng góp cổ phần cùng với HTX sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dịch vụ của HTX.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch như: giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, điện, kho chứa sản phẩm nông thủy sản, bến bãi,… phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, củng cố, phát triển và nâng chất hoạt động của THT, HTX qua việc triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch số 103/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Thí điểm, hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới; Kế hoạch số 20/KH-UBND về việc Phát triển 180 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên TP Cần Thơ… Có như vậy, HTX mới có đủ năng lực đảm đương tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt là trong vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết