09/05/2010 - 10:41

Phát triển kinh tế biển đảo

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020. Mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển kinh tế biển, đảo và xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển đảo của Tổ quốc. Việc tăng cường đầu tư cho biển đảo không chỉ có ý nghĩa an ninh, quốc phòng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế.

Theo đó, một số đảo có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhiều tiềm năng sẽ được tập trung xây dựng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển đảo, góp phần phát triển kinh tế cả nước, đồng thời làm đầu mối quan trọng để gắn kết kinh tế đảo với kinh tế biển, ven biển và vùng nội địa và giao lưu kinh tế quốc tế.

 Khai thác, đánh bắt hải sản và phát triển kinh tế tại đảo Nam Du thuộc vùng biển đảo Tây Nam Tổ quốc. Ảnh: ANH DŨNG

Phấn đấu nâng mức đóng góp của kinh tế biển đảo trong kinh tế cả nước từ 0,2% hiện nay lên 0,5% vào năm 2020 và tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đảo đạt bình quân 14-15%/năm. Năm 2005, kinh tế biển chiếm 22%, và theo dự báo, đến năm 2020, kinh tế biển sẽ chiếm hơn 50% GDP của cả nước.

Cụ thể, Quy hoạch sẽ tập trung phát triển các đảo trọng điểm như Đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cô Tô-Thanh Lân (Quảng Ninh), Cát Bà-Cát Hải (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận)...

Để thực hiện Quy hoạch này, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống đảo từ nay đến 2020 khoảng 162,5 ngàn tỉ đồng, trong đó vốn cho giai đoạn 2010-2015 khoảng 51,8 ngàn tỉ đồng được huy động từ các nguồn ngân sách, các nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn nước ngoài.

Trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” yêu cầu báo chí cần tăng thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền để khẳng định vị thế, bảo vệ chủ quyền biển đảo đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo.

Các địa phương ven biển xây dựng chiến lược thương hiệu biển cho địa phương mình, tập trung vào các nhóm thương hiệu như: Các sản vật tự nhiên hoặc sản phẩm thủ công truyền thống; các khu dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; các địa điểm và quần thể tham quan ven biển, các khu bảo tồn biển, đất ngập nước...để làm sao mỗi người dân sống ven biển sẽ trở thành “đại sứ tiếp thị” cho thương hiệu biển Việt Nam.

Các nội dung trên sẽ tiến hành từ nay đến năm 2015, với kinh phí dự kiến khoảng 175 tỉ đồng.

Quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo nói trên là nhằm tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam mà Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 BCH TW khóa X đã đề ra, nhằm góp phần quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, cũng như tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, đưa nước ta từng bước vững chắc trở thành quốc gia mạnh về biển.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định dầu khí, nghề cá, hàng hải và du lịch là những ngành kinh tế biển then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Tỷ trọng đóng góp GDP từ kinh tế biển lớn và ngày càng tăng, phấn đấu đến năm 2020 đóng góp GDP từ khu vực này luôn cao hơn bình quân trong các khu vực nội địa và bằng khoảng 55% tổng GDP của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lợi ích kinh tế mà Việt Nam khai thác được từ biển hiện nay còn quá ít ỏi, chưa xứng tầm. Đại dương thực sự là một kho báu, nhưng muốn “mở cửa” đại dương phải có quyết tâm, có sức và biết cách. Hai yếu tố sau chúng ta còn thiếu, TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ.

Tháng 3 vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức Diễn đàn Thương hiệu biển lần thứ 2 tại Quảng Ngãi với chủ đề “Từ cảng nước sâu tới khu kinh tế biển”. Diễn đàn lần thứ nhất tại Quảng Ninh, bên bờ vịnh Hạ Long, có chủ đề là “Phát triển thương hiệu biển Việt Nam: Kết nối địa phương và quốc tế”, chủ yếu đề cập đến khai thác tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng biển.

Hiện tại, chiến lược biển Việt Nam cũng đã xác định rõ năm ngành và lĩnh vực đột phá là: khai thác, chế biến dầu, khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến thủy, hải sản; du lịch biển và kinh tế hải đảo; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị dọc dải ven biển.

Để thực hiện thành công năm ngành, lĩnh vực nói trên, việc gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực trong kinh tế biển được đặt ra như là một yếu tố khách quan nhằm hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau để phát triển đồng bộ và có hiệu quả; trong đó, các ngành kinh tế hàng hải, khai thác chế biến dầu, khí gắn với việc phát triển các khu công nghiệp lớn ven biển được coi là ngành, lĩnh vực có lợi thế lớn hàng đầu trong kinh tế biển.

Nước ta đang xây dựng 14 khu kinh tế (KKT) ven biển, trong đó có 9 KKT đã cơ bản hoàn thành các công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng và đang tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, xây dựng các khu tái định cư.

Các KKT khác hiện đang trong giai đoạn xây dựng quy hoạch, chuẩn bị và hoàn thiện bộ máy và nhân sự, chuẩn bị các điều kiện tiền đề cho việc lập dự án và huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng các khu chức năng.

Tại diễn đàn, các tham luận đều đề cập đến tính cấp thiết trong xây dựng kinh tế biển nước ta phát triển tương xứng tiềm năng, có sức cạnh tranh cao và có vị thế trong khu vực cũng như thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa thật sự có được sự chuẩn bị tốt và đồng bộ cho việc xây dựng thương hiệu Biển của đất nước. Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ biển, liên quan đến biển của Việt Nam khá nhiều, song những sản phẩm và dịch vụ nổi tiếng, được ghi nhớ và thừa nhận thì chưa nhiều, chưa thành những “thương hiệu” lớn...

CÔNG TRÍ (Chinhphu.vn)

Chia sẻ bài viết