17/12/2024 - 07:14

Phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt góp phần hạn chế phương tiện cá nhân 

Có thể nói loại hình giao thông công cộng hoạt động trên địa bàn thành phố Cần Thơ chủ yếu vẫn là xe buýt.

Xe buýt Cần Thơ hiện đại, tiện nghi, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: CTV

Hiện nay, khi tốc độ đô thị hóa tăng sẽ kéo theo mật độ dân số tăng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đặc biệt là xe cá nhân sẽ dày đặc hơn thì vấn đề ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông không còn đáp ứng kịp thời sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân trở nên quá tải cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền phát triển các loại hình giao thông công cộng đặc biệt là xe buýt, hạn chế việc sử dụng xe cá nhân là việc làm rất cần thiết, cần thực hiện ngay.

Thực hiện phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ đã giao Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị phối hợp với Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đưa vào khai thác 11 tuyến xe buýt nội tỉnh trên địa bàn thành phố gồm: (1) Ba Láng - Ô Môn; (3) Ô Môn - Ngã ba Lộ Tẻ; (2) Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - Thị trấn Phong Điền - Khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào; (4) Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - Bến xe khách Trung tâm thành phố Cần Thơ (tạm ngưng hoạt động); (5) Ô Môn - TT Cờ Đỏ; (6) Ngã ba Lộ Tẻ - Kinh B (kéo dài bến xe tỉnh Kiên Giang); (7) Ngã Ba Lộ Tẻ - TT. Cờ Đỏ; (8) Cần Thơ - Giai Xuân - Phong Điền; (9) Phong Điền - Lộ tẻ Ba Se - Ô Môn; (10) Phong Điền - Thới Lai; (11) Ba Láng (quận Cái Răng) - KCN Trà Nóc - Ô Môn. Khi đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ xe buýt chất lượng cao, tiện nghi, thuận tiện và phù hợp với nhu cầu đi lại của đại đa số người dân thành phố. Song song với việc đưa vào khai thác hệ thống xe buýt chất lượng cao, hiện đại thì phải đáp ứng được việc phát triển, đầu tư hệ thống hạ tầng bến, bãi và bố trí các điểm dừng, đón trả khách phù hợp. Mục tiêu chung là phát triển mạng lưới xe buýt từ trung tâm thành phố đến trung tâm các quận, huyện, khu công nghiệp, khu dân cư… tạo thói quen cho người dân sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại. Bên cạnh đó, việc áp dụng giá vé chính sách khuyến khích sử dụng dịch vụ, loại hình xe buýt sẽ thu hút, tiếp cận được với nhiều đối tượng hành khách hơn.

Sau thời gian đi vào hoạt động, hình ảnh “Xe buýt Cần Thơ hiện đại, tiện nghi, an toàn, tiết kiệm” đã phần nào để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân. Thông qua việc đầu tư phát triển phương tiện và kết cấu hạ tầng để khuyến khích người dân sử dụng loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng xe cá nhân, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường khi đô thị ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, đảm bảo xây dựng mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân đến trung tâm thành phố, trung tâm các quận, huyện, khu công nghiệp… và kết nối giao thông công cộng với các tỉnh lân cận.

PV

Chia sẻ bài viết