12/11/2017 - 09:12

Phát triển giáo dục STEM ở bậc đại học cho ĐBSCL 

Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp với Trường ĐH Bang Arizona (Hoa Kỳ), Viện Khoa học và Đổi mới công nghệ vừa tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Giáo dục đại học STEM cho phát triển ĐBSCL”. Tại đây, những vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng đa ngành phục vụ cho ĐBCSL; cải cách giáo dục thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0... được đặt ra gắn với giáo dục STEM.

Đào tạo nhân lực thích ứng với cuộc CMCN 4.0

Theo xu hướng giáo dục ĐH quốc tế trong hai thập kỷ gần đây, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường đã đào tạo theo mô hình giáo dục STEM nhằm tạo ra những con người có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia và tác động tích cực đến sự thay đổi của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12-2-2014, ĐBSCL đặt mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm với mức phát triển cao theo kịp các vùng kinh tế dẫn đầu khác của đất nước, hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và quốc tế. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết: “Để hiện thực hóa mục tiêu đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực có trình độ khoa học công nghệ cao rất quan trọng. Việc ưu tiên phát triển các ngành đào tạo liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở bậc đại học là bước đi thiết thực để cung ứng nguồn nhân lực lành nghề và có trình độ cao”.

Các đại biểu dự hội nghị giáo dục ĐH STEM cho phát triển ĐBSCL.

Tiến sĩ Lý Thị Minh Châu, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, chỉ ra một thực tế: Các ngành công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và ngay cả ngành du lịch đều trong “cơn khát” lao động chất lượng cao, nhất là tại ĐBSCL. Đào tạo theo mô hình giáo dục STEM chính là giải pháp nhằm tạo ra những con người có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của cuộc CMCN 4.0. Mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thuật toán... nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học, giúp hoạt động dạy và học không bó hẹp trong thời gian lên lớp, trong không gian trường học, trong khung chương trình sách giáo khoa. Sinh viên có thể nhận đề tài, tự tìm kiếm thông tin và nghiên cứu tại nhà. Giờ lên lớp sẽ là buổi thảo luận và đưa ra kết luận.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang, Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT, thống kê từ 7 trường ĐH, cao đẳng hàng đầu ở ĐBSCL, hiện có hơn 90 chuyên ngành đào tạo STEM, với gần 60.000 sinh viên đang theo học. Như vậy, thực tế giáo dục ĐH STEM ở ĐBSCL là rất đa dạng, với đầy đủ các chuyên ngành mà thị trường lao động mong đợi. Trung bình mỗi năm, 7 đơn vị đào tạo này cung cấp cho cả nước hơn 9.000 cử nhân và kỹ sư thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, hóa dược và sư phạm. Các con số “biết nói” cho thấy triển vọng tích cực cho vùng ĐBSCL trong xu thế công nghiệp hóa, đặc biệt là trong bối cảnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đang chuyển mình để bước vào giai đoạn CMCN 4.0 cũng như tiềm năng và đóng góp lớn lao của lĩnh vực giáo dục này.

STEM là chữ viết tắt theo tiếng Anh của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ) Egineering (kỹ thuật) và Math (toán học).  Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Nhìn bức tranh chung giáo dục ĐH ĐBSCL- với 18 trường ĐH, 27 trường cao đẳng- có thể nhận thấy, hệ thống các trường gần như phủ đều ở các tỉnh, thành toàn vùng. Trong đó, Trường ĐHCT- trường ĐH trọng điểm ở ĐBSCL- đã có những bước tiến dài trong chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế. Những năm qua, nhà trường đã tích cực đổi mới và phát triển không ngừng về cơ chế tiếp cận lẫn chất lượng đào tạo. Riêng các chuyên ngành đào tạo STEM được đầu tư trọng tâm, bài bản và hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu hoàn thiện và chương trình đào tạo ngày càng tiệm cận với xu hướng tiên tiến của thế giới. PGS.TS Hà Thanh Toàn nói: “2/3 chương trình đào tạo tiên tiến ở trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế AUN-QA cũng thuộc lĩnh vực STEM. Trường ĐHCT còn là điểm đến uy tín của nhiều dự án quốc tế đầu tư vào các chương trình đào tạo STEM thuộc các lĩnh vực Nông nghiệp, Thủy sản, Công nghệ và Môi trường. Đây chính là nền tảng vững chắc và là tiền đề để nhà trường tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của vùng trong thời gian tới”.

Đưa STEM phát triển

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng ý quan điểm cần đưa mô hình giáo dục STEM phát triển hơn nữa trong các trường ĐH, CĐ, ngay cả trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tư duy về đổi mới giáo dục STEM trong các trường, trong cán bộ quản lý, nhà giáo vẫn còn chậm; điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy còn hạn chế;… Đó là chưa kể xuất phát điểm của ĐBSCL thấp và hiện vẫn chưa thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục - đào tạo; thu nhập bình quân người dân ĐBSCL (33,57 triệu đồng/ năm) vẫn còn thấp so với bình quân thu nhập đầu người trên cả nước  (36,58 triệu đồng/ năm);… Do đó, các đại biểu cho rằng, đã đến lúc nhà nước có những quyết sách, chiến lược đầu tư mạnh cho vùng ĐBSCL, tập trung đầu tư cho các trường ĐH trọng điểm, đủ năng lực mở rộng, phát triển giáo dục STEM.

Theo Thạc sĩ Đào Phong Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng, Trường ĐHCT, để mô hình STEM phát huy hiệu quả, cần có sự đầu tư hệ thống hoàn chỉnh, nhất quán từ xây dựng chương trình STEM, năng lực đội ngũ giảng dạy, năng lực người học đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, liên thông trong hệ thống giáo dục... Chương trình phải phù hợp với kinh tế-xã hội- văn hóa của địa phương, giảng viên phải được tham gia đầy đủ các khóa đào tạo về giảng dạy STEM, “đầu vào” của sinh viên phải đồng đều, trang thiết bị giảng dạy hiện đại…

Sinh viên Trường ĐHCT tìm tài liệu học tập tại trung tâm học liệu- ĐHCT.

 

Tiến sĩ Lý Thị Minh Châu, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các trường ĐH cần hợp tác và chia sẻ nguồn lực để cùng nhau phát triển. Còn theo bà Trần Thị Yên Định, Giám đốc phụ trách giáo dục của Microsoft, bên cạnh trình độ chuyên môn, các trường đào tạo cần cung cấp cho người học các kỹ năng cần thiết, có thể tạo điều kiện cho sinh viên học một số chứng chỉ về kỹ năng mềm, thích ứng với thị trường lao động. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm tạo ra môi trường giáo dục tốt nhất cho sinh viên. Bà Định nêu một ví dụ là chương trình liên kết giữa Microsoft và các trường ĐH. Theo đó, sinh viên được sử dụng miễn phí hoặc với giá ưu đãi các phần mềm công nghệ mới, được thực tập tại doanh nghiệp, được cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp …

Hiểu rõ thực trạng của ĐBSCL, đề xuất những giải pháp hữu hiệu, việc phát triển mô hình giáo dục STEM sẽ góp phần nâng chất nguồn nhân lực, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

Bài, ảnh; B.Kiên 

Chia sẻ bài viết