27/10/2016 - 20:15

Ngành quản lý nhà nước về công tác tôn giáo

Phát triển để đáp ứng yêu cầu hội nhập

Cùng với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố, thời gian qua, ngành quản lý nhà nước về công tác tôn giáo thành phố Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, phù hợp với phong tục tập quán, quy định của pháp luật. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng và yêu cầu hội nhập nói chung… 

 Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn

Theo ông Võ Ngọc Hà, Phó Trưởng Ban Tôn giáo-Sở Nội vụ thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 11 tôn giáo và 1 pháp môn, với tổng số tín đồ tôn giáo hơn 485.937 người. Toàn thành phố có 365 cơ sở thờ tự với 1.532 chức sắc và 513 nhà tu hành. So với mặt bằng chung trên cả nước thì thành phố Cần Thơ là địa phương có nhiều tôn giáo hoạt động với số tín đồ chiếm hơn 40% dân số. Trong đó, một số địa phương (xã) có số lượng tín đồ trên 90% dân số. Thời gian qua, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống yêu nước, nếp sống văn hóa nghĩa tình, cũng như những giá trị sống tốt đẹp của đạo đức tôn giáo, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

 Ban Tôn giáo thường xuyên tổ chức các đoàn thăm hỏi, chúc mừng các tôn giáo các dịp lễ trọng, Tết Nguyên đán. (Trong ảnh: Ban Tôn giáo thăm chúc Tết tại chùa An Long, quận Cái Răng).

Để đáp ứng nhu cầu về tự do tín ngưỡng, thực hiện tốt chức năng của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, thời gian qua, Ban Tôn giáo TP Cần Thơ luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, năm 2005, Ban Tôn giáo đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức đào tạo lớp Cử nhân Nhân học cho cán bộ, công chức phụ trách công tác tôn giáo, dân tộc trên địa bàn thành phố với số lượng 103 học viên. Hiện nay, Ban Tôn giáo thành phố có 15 biên chế, tất cả cán bộ công chức có trình độ đại học trở lên. Trong đó, có 5 người có bằng đại học chuyên ngành tôn giáo-dân tộc, 4 người có trình độ thạc sĩ, 1 đang học nghiên cứu sinh tiến sĩ, ngành tôn giáo học. Về trình độ lý luận chính trị, có 3 người đạt trình độ cao cấp và 7 người có trình độ trung cấp. Ở mỗi quận, huyện có 2 cán bộ phụ trách công tác tôn giáo gồm Phó Trưởng phòng Nội vụ và 1 chuyên viên, đều trình độ từ đại học trở lên. Hằng năm, Ban Tôn giáo tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác tôn giáo các cấp. Riêng năm 2016, Ban Tôn giáo đã tổ chức 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác tôn giáo và 3 hội nghị phổ biến chính sách pháp luật cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, với hơn 500 lượt người tham dự. Qua đó, đáp ứng yêu cầu thực tế đối với ngành quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, cũng như nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng.

 Những điểm sáng đáng ghi nhận

Song song với nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm, thời gian qua, tập thể cán bộ, công chức Ban Tôn giáo cũng thể hiện sự năng động, nhạy bén trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, nổi bật là việc Ban Tôn giáo chính thức áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2008 từ tháng 1-2016 và đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử của Ban Tôn giáo. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính. Ông Võ Ngọc Hà, Phó Trưởng Ban Tôn giáo, cho biết: "Việc áp dụng quy trình tiêu chuẩn ISO trong giải quyết thủ tục hành chính đã mang lại hiệu quả thiết thực, các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý công khai; các cá nhân tôn giáo khi đến Ban Tôn giáo liên hệ công tác đều được hướng dẫn tận tình, trả kết quả đúng hẹn. Hầu hết các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác đều thể hiện sự hài lòng".

Lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo các cấp cũng thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong tham mưu với các cấp cấp chính quyền tháo gỡ các khó khăn, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân tôn giáo hoạt động bình thường, đúng pháp luật. Ông Võ Ngọc Hà phấn khởi nói: "Nếu trước đây, một số đầu công việc bắt buộc phải xin ý kiến và chờ UBND thành phố trả lời, cấp phép thì hiện nay, qua công tác tham mưu, có một số đầu công việc UBND thành phố đã ủy quyền để Ban Tôn giáo, hoặc UBND quận, huyện thực hiện". Cụ thể như việc giải quyết hồ sơ liên quan đến việc thay đổi thời gian tổ chức các hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký hằng năm. Theo đó, UBND thành phố thống nhất giao Ban Tôn giáo thực hiện các thủ tục tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ liên quan; hoặc về việc tổ chức Đại lễ Phật đản ở quận, huyện, UBND thành phố cũng ủy quyền cho UBND quận, huyện xem xét cho phép Ban Trị sự Giáo hội PGVN quận huyện tổ chức; hay UBND thành phố cũng đồng ý ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện việc tiếp nhận đăng ký nhân sự bầu cử, suy cử cho tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động tại một quận, huyện;…

 Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khó khăn, bất cập. Ông Võ Ngọc Hà phân tích: Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là một công tác vô cùng nhạy cảm, liên quan nhiều lĩnh vực, như: đất đai, xây dựng, văn hóa, đối ngoại…đòi hỏi cán bộ, công chức phụ trách công tác này phải vững vàng về chính trị, có kiến thức sâu về tín ngưỡng, tôn giáo và kiến thức cơ bản ở các lĩnh vực liên quan, có tâm huyết với công tác. Bên cạnh đó, Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tín ngưỡng, tôn giáo và 2 Nghị định hướng dẫn của Chính phủ là Nghị định số 22 (ban hành năm 2005) và Nghị định số 92 (ban hành năm 2012) qua nhiều năm thực hiện cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Cụ thể như việc phân cấp giải quyết vấn đề tôn giáo theo quy định trong Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ đã tập trung phân cấp nhiều công việc có tính chất sự vụ cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết (18/19 công việc) làm cho việc giải quyết bị chậm so với quy định; pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều bất cập, hạn chế khiến cho việc áp dụng cũng gặp những khó khăn nhất định... Về điều này, ông Võ Ngọc Hà kiến nghị: "Chính phủ cần cơ cấu lại tổ chức theo hướng Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Chính phủ; Ban Tôn giáo cấp tỉnh trực thuộc UBND thành phố; đồng thời, thành lập Phòng Tôn giáo trực thuộc UBND quận, huyện và bố trí cán bộ, công chức phụ trách công tác tôn giáo tại UBND cấp xã - nơi có đông đồng bào tôn giáo... Ngoài ra, cũng cần có chính sách đặc thù, đào tạo, tuyển dụng bố trí cho cán bộ, công chức phụ trách công tác tôn giáo các cấp nhằm thu hút cán bộ, công chức trẻ có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức về công tác mang tính chiến lược lâu dài".

Những khó khăn, bất cập trên cho thấy việc Quốc hội chuẩn bị ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo là một việc làm hết sức cần thiết, đúng lúc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tại thành phố Cần Thơ, thời gian qua, nhiều tổ chức, ban ngành, trong đó có Ban Tôn giáo, UBMTTQVN thành phố đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến đối với dự thảo luật. Qua đó, ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết của các chức sắc, cán bộ làm công tác tôn giáo lâu năm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.

Về điều này, Tiến sĩ Trần Hữu Hợp, nguyên Trưởng Ban Tôn giáo thành phố, Chủ nhiệm hội đồng tư vấn công tác tôn giáo-dân tộc của UBMTTQVN thành phố, đánh giá: "Dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo có 9 chương, 68 điều, so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo dự thảo luật tín ngưỡng tôn giáo là một bước tiến lớn, bổ sung nhiều điểm mới, đúng và phù hợp. Phù hợp vì điều kiện Việt Nam là nước có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài ra, nó còn phù hợp với nguyện vọng của tổ chức và cá nhân tôn giáo trong nước; đồng thời, tương thích với thông lệ quốc tế. Do đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội cần ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo theo lộ trình để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của tổ chức, cá nhân tôn giáo cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập…".

TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết