06/06/2016 - 21:08

Phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian cho TP Cần Thơ

Hôm 6-6-2016, UBND TP Cần Thơ kết hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (Seco) tổ chức Hội thảo Tầm nhìn và Đề xuất lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) cho TP Cần Thơ. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng SDI ở các quốc gia trên thế giới, các cơ hội hợp tác quốc tế về SDI, các chính sách, quy định về cơ sở dữ liệu không gian… Theo các diễn giả, đây là giải pháp tốt nhất để thành phố phát triển bền vững, nhất là trong hoàn cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an sinh xã hội.

Cần Thơ thuận lợi để ứng dụng SDI

ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới được các nhà khoa học cảnh báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất của kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, có nguyên nhân do tác động tiêu cực từ các hiện tượng thiên nhiên và tác động của chính bàn tay con người… Trong quá trình đô thị hóa ở các đô thị vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, tình trạng phổ biến hiện nay là đô thị phát triển mất kiểm soát đã tác động xấu đến môi trường sống của người dân đô thị. Tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch xây dựng chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt tình trạng lấn chiếm sông rạch, gây bồi lắng, ô nhiễm; kênh rạch không được cải tạo và một bộ phận người dân ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, đã làm cho môi trường thêm ô nhiễm, phát sinh thêm nhiều bất cập…

Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian sẽ góp phần phục vụ công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị của TP Cần Thơ. Trong ảnh: Một góc đô thị Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

TP Cần Thơ về mặt địa lý nằm ở vị trí "rốn" của ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi, đất đai phù sa màu mỡ, nếu vùng ĐBSCL có xảy ra thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn… thì Cần Thơ gánh chịu thiệt hại ít hơn các địa phương trong vùng. Nhưng chúng ta không thể chủ quan trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Những năm qua, TP Cần Thơ đã dồn sức đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ, hàng không, cảng biển… từ nguồn ngân sách của Trung ương, TP Cần Thơ, vốn vay của các tổ chức tín dụng trên thế giới. Gần nhất là 2 dự án nâng cấp đô thị Dự án 1 và Dự án 2 đã góp phần làm "thay da đổi thịt" diện mạo đô thị TP Cần Thơ rất rõ nét. Tuy nhiên, những công trình dự án đó vẫn chưa đủ so với nhu cầu cần phải đầu tư nâng cấp trong tiến trình đô thị nhanh như hiện nay của thành phố.

Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Tư vấn của WB), chia sẻ: SDI là hạ tầng thông tin không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững, nhất là trong hoàn cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước đã đầu tư đáng kể về thông tin địa lý và thông tin đất đai, có tới 80% diện tích đất đã được phủ bản đồ số. ĐBSCL có bản đồ GIS ở tỷ lệ 1/5000, hầu hết các đô thị được phủ bản đồ địa hình 1/2000, trong đó TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng được dữ liệu Lidar toàn thành phố. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Cần Thơ phát triển SDI… "Các thành phần của SDI phải được quan tâm đồng bộ, phát triển xã hội hóa thông tin và dịch vụ thông tin, từng bước giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thông tin không gian phải được coi là nguồn lực cần thiết nhất để xây dựng chính phủ thông tin, công dân thông tin, xã hội thông tin nhằm mang lại hiệu quả cao cho phát triển bền vững" - Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

SDI – một hợp phần trong Dự án 3

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành của chính quyền thành phố đã được ứng dụng 100% tại các sở, ngành địa phương; quy hoạch đô thị và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được thông qua… Cùng với việc triển khai Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3), trong đó hợp phần thiết lập cơ sở dữ liệu không gian địa lý, quản lý đồng bộ, thống nhất; hệ thống trợ giúp phòng chống, khắc phục thiên tai sẽ được cụ thể hóa để Cần Thơ đi đầu trong việc ứng dụng SDI. Đây là cơ sở thuận lợi để thành phố ứng dụng SDI không chỉ trong quản lý đô thị, môi trường, dự báo các hiện tượng thiên nhiên… mà còn thuận lợi trong quản lý đất đai, quy hoạch được kiểm soát một cách chặt chẽ, chính xác và được cập nhật nhanh chóng.

Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết: Nếu trước đây, các dự án nâng cấp đô thị tập trung cải thiện môi trường đô thị, xóa nhà sàn trên kênh rạch, xây dựng hệ thống kè dọc theo các nhánh sông khu vực đô thị nhằm chống sạt lở bờ sông, tôn tạo vẻ mỹ quan đô thị… thì dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được chúng tôi đề xuất lần này nhằm kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; xây dựng các cống ngăn triều và các âu thuyền, các cống ngăn triều kết hợp cầu giao thông; xây dựng các hồ điều hòa, chứa nước; lắp đặt các trạm bơm và cải tạo hệ thống cống thoát nước; hệ thống thiết bị quản lý vận hành. Có thể nói, đây là lần đầu tiên một dự án nâng cấp đô thị - trong chuỗi các dự án nâng cấp đô thị trong cả nước, lại chú trọng đến kiểm soát nước, chứ không đơn thuần chỉ là nâng cấp đô thị, mở rộng đường sá, nhà cửa. Đó chính là mục tiêu để TP Cần Thơ có thể thích ứng với biến đổi khí hậu mà các nhà khoa học dự báo hoàn toàn đi ngược với những lợi thế mà thành phố đã hưởng lợi như trước đây. TP Cần Thơ là "rốn" của ĐBSCL nhưng cũng chính là một trong những địa phương có thể bị ngập lụt trước tiên so với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra như kịch bản mà các nhà khoa học cảnh báo...

Bên cạnh đó, Dự án 3 sẽ phát triển hành lang đô thị với hệ thống cầu, đường giao thông để có được một hệ thống giao thông rộng mở, thông thoáng, phát triển và cân bằng thành phố từ khu Nam (có quốc lộ 1 đi qua) mở rộng ra phía Bắc (quốc lộ 91, quốc lộ 91B), kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, các nhà đầu tư có nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ, có sự lựa chọn đa dạng hơn. Trong đó, kết hợp với dữ liệu cơ sở hạ tầng không gian sẽ cung cấp thêm những thông tin đa dạng, nhiều chiều có tính dự báo với mức độ chính xác cao sẽ càng thuyết phục các nhà đầu tư đến với TP Cần Thơ – một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có thể minh bạch được.

Theo đánh giá của các chuyên gia WB, khi TP Cần Thơ xây dựng được cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian - SDI, quản lý tốt cơ sở dữ liệu sẽ là mô hình mẫu về quản lý đầu tư một cách hiệu quả nhất.   

Thiện Khiêm

Chia sẻ bài viết