10/06/2013 - 20:41

Phát huy tính sáng tạo của cô trò mầm non qua đồ dùng dạy học

Những vật dụng phế thải, tưởng chừng như bỏ đi nhưng qua bàn tay khéo léo của các cô giáo mầm non (MN), mẫu giáo (MG) đã "biến" chúng thành những đồ dùng dạy học (ĐDDH) bổ ích, thiết thực. Những ĐDDH này không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ mà còn góp phần bảo vệ môi trường…

Mùa hè là thời gian các thầy cô giáo nghỉ ngơi sau một năm học miệt mài làm việc. Thế nhưng, đối với các cô giáo Trường MN Lê Bình (quận Cái Răng) là thời gian dành để chỉnh sửa các ĐDDH tự làm. Khi chúng tôi đến trường vào những ngày đầu tháng 6-2013, đúng lúc các cô giáo đang giải quyết công việc. Một số giáo viên tranh thủ soạn giáo án, báo cáo; chỉnh sửa, làm mới bộ ĐDDH. Cô Trần Thị Đào, giáo viên phụ trách lớp Chồi, vừa đoạt giải Nhì trong Hội thi "Sáng tạo đồ dùng, đồ chơi dạy trẻ MN" cấp thành phố, với sản phẩm "Những con số thông minh" (phục vụ cho các cháu 4-5 tuổi). Cô Đào cho biết: "Trong hè này, tôi tranh thủ làm thêm vài bộ ĐDDH "Những con số thông minh" và suy nghĩ làm thêm bộ ĐDDH mới phục vụ giảng dạy. Qua đó, tôi có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; tạo thói quen tự làm ĐDDH". Vừa nói, cô Đào vừa sắp xếp bộ ĐDDH "Những con số thông minh", được làm từ những tấm lịch cũ, miếng xốp quảng cáo các loại sữa, nút quần jean, đề-can… Từ các vật dụng này, cô Đào cùng các đồng nghiệp vẽ và cắt miếng xốp quảng cáo thành các hình dạng (oval, tròn, vuông, chữ nhật, tam giác). Sau đó dán đề-can trắng, dán số và hình ảnh, chữ số lên; cắt các hình ra theo đường dích dắc; dán, ép tranh sách báo cũ về hoa quả, đồ dùng trong gia đình, con vật.

Cô Trần Thị Đào, giáo viên Trường MN Lê Bình đang sử dụng bộ ĐDDH “Những con số thông minh”. 

Bộ đồ dùng này nhằm giúp trẻ nhận biết chữ số, tập hợp số lượng, nhiều ít, to nhỏ, màu sắc hình dạng; tên đặc điểm, cấu tạo, hình dạng và phân biệt các loại hoa, quả, rau củ, con vật xung quanh… Theo cô Đào, ý tưởng bộ ĐDDH xuất phát từ kinh nghiệm giảng dạy thực tế, nhu cầu chơi -học của trẻ. ĐDDH này còn giúp trẻ phát triển tư duy, phối hợp tay mắt, luyện cơ tay, làm tiền đề cho trẻ cầm viết chuẩn bị vào lớp 1. Qua đó, trẻ có thể thử và phân biệt đúng, sai trên đồ vật; từ đó, phát triển tư duy trực quan hình ảnh cho trẻ; luyện vận động tinh cho trẻ qua hình thức chọn tranh ghép tương ứng. Cô Đào nói: "Qua kết quả học kỳ I năm học 2012-2013, bộ đồ dùng được triển khai ở nhóm lớp, các cháu rất hứng thú tham gia hoạt động và đạt được hiệu quả cao".

Ngoài ĐDDH của cô Trần Thị Đào, Trường MN Lê Bình còn có hai giáo viên đoạt giải Nhất và Ba trong Hội thi "Sáng tạo đồ dùng đồ chơi dạy trẻ MN" cấp thành phố, gồm: sản phẩm "Xem ai nhanh hơn" của cô Nguyễn Thị Thu Ba đoạt giải Nhất; sản phẩm "Bảng ghép hình nút" của cô Lư Thị Kiều Oanh đoạt giải Ba. Cô Nguyễn Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường MN Lê Bình, cho biết: "Nhằm đẩy mạnh phong trào làm ĐDDH tự làm, hằng tháng, trường quy định mỗi giáo viên có ít nhất 1 ĐDDH để phục vụ giảng dạy. Với phương châm "kiến tha lâu đầy tổ", nếu mỗi giáo viên đều có sản phẩm hằng tháng, khi phát động hội thi, các cô sẽ có nhiều sản phẩm dự thi. Quan trọng hơn, cách làm này giúp giáo viên có thói quen làm ĐDDH, trẻ có thêm đồ chơi, phát huy tính tích cực trong giảng dạy, trong điều kiện thiếu thốn đồ chơi cho các cháu MN, MG như hiện nay". Theo cô Hằng, các sản phẩm đoạt giải vừa qua đều sử dụng khá tốt trong giảng dạy, bảo vệ môi trường. Như sản phẩm "Xem ai nhanh hơn" (phục vụ cho cháu 3-4 tuổi) của cô Nguyễn Thị Thu Ba đoạt giải Nhất, được làm từ gáo dừa, gỗ vụn, dây xâu. Giáo viên rửa sạch và phơi khô gáo dừa, sau đó, vẽ hình lên gáo dừa rồi dùng cưa cắt thành nhiều loại hình (hình thang, vuông, tam giác…), rồi dùng máy khoan lỗ lên hình để trẻ xâu dây, xâu que. Các trẻ có thể chơi nhiều cách, chọn nhiều hình khác nhau và gắn vào que hoặc dây theo quy tắc trên bảng màu. Cô Hằng nói: "ĐDDH này giúp trẻ học toán, nhận biết môi trường xung quanh và luyện cơ tay. Nếu trẻ "lỡ" đưa đồ dùng vào miệng cũng không ảnh hưởng sức khỏe, vì làm bằng gáo dừa. Vì thế, giáo viên yên tâm sử dụng và phụ huynh rất ủng hộ". Bà Nguyễn Thị Tuyết, có con đang học lớp Lá, Trường MN Lê Bình, nói: "Khi về nhà, cháu rất lanh lợi và biết nhiều thứ đồ vật xung quanh. Đồ chơi mà cô giáo làm rất bắt mắt, đẹp và sạch sẽ, tôi yên tâm".

MN là bậc học quan trọng, tạo nền tảng phát triển cho các bậc học sau này. Vì thế, ngoài việc chăm sóc, nuôi dạy, giáo viên phải biết sáng tạo làm thêm các đồ chơi, đồ dùng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhằm phát huy khả năng tư duy, sáng tạo cho các cháu MN. Hằng năm, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức Hội thi "Sáng tạo đồ dùng đồ chơi dạy trẻ MN", vừa tạo sân chơi, vừa là dịp để các giáo viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Trung tuần tháng 5-2013 vừa qua, ngành giáo dục đã tổ chức chuyên đề "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục mầm non (MN)" và tổng kết hội thi "Sáng tạo đồ dùng đồ chơi dạy trẻ MN" năm học 2012-2013. Theo đó, có 70/98 bộ ĐDDH được khen thưởng; trong đó có 6 giải Nhất, 14 giải Nhì, 20 giải Ba và 30 giải Khuyến khích. Theo nhiều cán bộ, giáo viên, khó khăn hiện nay là không có nhiều thời gian để tự làm ĐDDH. Quy định giáo viên MN làm việc 8 giờ/ngày nhưng giờ làm việc thực tế nhiều hơn so với quy định. Do đó, giáo viên phải tranh thủ giờ ngủ trưa của trẻ hoặc những ngày nghỉ cuối tuần để làm ĐDDH. Đó là chưa kể, giáo viên phải xuất tiền túi để làm ĐDDH dự thi. Cô Nguyễn Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường MN Lê Bình, cho biết: "Do đặc thù công việc, giáo viên phải nỗ lực rất nhiều mới có thể tham gia tốt phong trào thi đua dạy và học. Nguồn kinh phí có hạn nên nhà trường vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ vật dụng, tranh ảnh, giúp các cô làm ĐDDH…".

***

Theo cô Thiệu Thị Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT Cần Thơ, các sản phẩm tham dự Hội thi "Sáng tạo đồ dùng đồ chơi dạy trẻ MN" đẹp, nhiều màu sắc, hấp dẫn, có sức thu hút trẻ. Đa số sản phẩm có nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, nhiều ý tưởng sáng tạo, có thể giúp trẻ tích cực hoạt động và hứng thú khám phá. Nhiều sản phẩm có ý tưởng mới trong kỹ thuật, cũng như cách tác động gây hứng thú cho trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới về nội dung và phương pháp dạy trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một số đồ dùng chưa phù hơp với trẻ (kích thước lớn, nội dung phức tạp, độ bền…); vẫn còn hiện tượng giáo viên làm đồ dùng để đi dự thi, chớ chưa có ý thức sáng tạo đồ dùng để phục vụ việc dạy trẻ… Song, có thể khẳng định, các giáo viên tự làm và sử dụng ĐDDH trong giảng dạy đã phát huy khả năng tư duy sáng tạo của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện trẻ MN, MG.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết