11/01/2011 - 21:42

Phát huy tiềm năng và lợi thế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương trong khu vực và thế giới. Là đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các đại biểu trong khu vực đã bày tỏ những ý kiến tâm huyết nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ để khu vực ĐBSCL tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ môi trường

Vinh dự, tự hào và nhận rõ trách nhiệm lớn với Đảng, với dân tại kỳ đại hội này, đại biểu Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ kỳ vọng đại hội sẽ đề ra những quyết sách lớn và bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương mới gồm những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo, ý chí chiến đấu cao; có phẩm chất đạo đức trong sáng, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; có uy tín, đủ năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Lợi phấn khởi cho biết: Trong những năm qua, TP Cần Thơ luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 15,13%. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người 1.950 USD. Nhiều dự án công trình quan trọng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả; diện mạo đô thị hình thành rõ nét, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Cần Thơ đã thể hiện được vai trò trung tâm trên một số lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. TP Cần Thơ cũng đang huy động mọi nguồn lực để phát triển, theo đuổi mục tiêu trước năm 2020 trở thành thành phố công nghiệp. Tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và của cả vùng. Một thực tế cần phải nhìn nhận là công nghiệp của Cần Thơ phát triển, có năm tổng sản lượng dẫn đầu ĐBSCL nhưng vẫn chưa xứng tầm.

 Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Khu công nghiệp Trà Nóc 1, TP Cần Thơ). Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Đại biểu Nguyễn Hữu Lợi kiến nghị: Trong kế hoạch phát triển đất nước nhiệm kỳ 2011-2015, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng ưu tiên cho Cần Thơ một số cơ chế thể hiện vai trò trung tâm vùng trên một số lĩnh vực như tăng cường đầu tư về công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chất lượng cao để đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cho TP Cần Thơ cơ chế huy động thu hút các nguồn lực về kinh tế, tài chính, ngân hàng; thu hút đầu tư trong ngoài nước; thu hút nguồn nhân lực cán bộ cao cấp, chuyên gia đầu ngành đủ sức phục vụ nhu cầu phát triển và hoàn thiện các tiêu chí thành phố đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

ĐBSCL trong đó có Cần Thơ đã đóng góp 50% sản lượng lương thực, 60% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho cả nước. Trung ương quan tâm đầu tư nhiều hơn cho Cần Thơ vì Cần Thơ không chỉ phát triển cho riêng Cần Thơ mà sẽ kéo theo sự phát triển chung của cả ĐBSCL và cho sự phát triển chung của cả nước.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông - thủy sản hàng hóa lớn của cả nước, để thực hiện được nhiệm vụ của mình, ngoài yếu tố nỗ lực chủ quan của Đảng bộ và nhân dân trong vùng; đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đảm bảo cho ĐBSCL phát triển nhanh, vững chắc; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

Xây dựng qui hoạch phát triển tổng thể cho cả khu vực

Lần đầu tiên dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang, phấn khởi nói: “Được tín nhiệm bầu vào đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng- sự kiện trọng đại của đất nước, là vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm nặng nề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh giao phó. Tham dự Đại hội, tôi sẽ tập trung suy nghĩ, nâng cao tinh thần trách nhiệm đảng viên đóng góp vào nội dung văn kiện và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới có đầy đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực lãnh đạo thực hiện Nghị quyết đại hội”.

Mang đến Đại hội những kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Tiền Giang, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn cho rằng vấn đề được quan tâm nhất tại Đại hội XI là trên cơ sở phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được, hạn chế, yếu kém, đại hội đề ra những phương hướng và giải pháp mang tính chiến lược và khả thi cao nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, rút ngắn chênh lệch về thu nhập giữa các vùng miền; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo dân chủ, công bằng trong xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng.

Với mong muốn tỉnh Tiền Giang và khu vực ĐBSCL tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ: Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng khu vực phía Nam. Khu vực này đóng góp 36% giá trị xuất khẩu nông sản, trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 65% sản lượng thủy sản, trên 90% lượng gạo xuất khẩu...Trong những năm qua, trên cơ sở đầu tư của Trung ương cùng với nỗ lực phấn đấu của địa phương, khu vực này có bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, vị trí của khu vực. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn lao động chất lượng cao và nguồn lực tài chính đầu tư phát triển.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn đề nghị đối với các tỉnh ĐBSCL, Trung ương cần quan tâm hỗ trợ xây dựng qui hoạch phát triển tổng thể cho cả khu vực, có cơ chế đặc thù nhằm tạo động lực để nơi đây có thể phát triển nhanh theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả “công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn”. Trung ương cần có chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giúp nông dân làm giàu nhanh góp phần ổn định an ninh nông thôn. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực khu vực ĐBSCL nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với Tiền Giang, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Trung ương hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh phục vụ phát triển kinh tế theo đúng qui hoạch và lợi thế địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực

Mang đến Đại hội tâm huyết góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh vùng ĐBSCL, đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề đầu tư phát triển hạ tầng và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng.

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ: Hiện nay, đội ngũ cán bộ vùng ĐBSCL còn rất thiếu, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong toàn vùng còn cao, trình độ lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chiếm khoảng 30%. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL là một trong các vấn đề thiết yếu trong những năm tới. Đảng và Nhà nước cần có chiến lược đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL, nhất là đội ngũ bác sĩ, lực lượng lao động khu vực nông thôn; lực lượng cán bộ công chức cơ sở; đội ngũ doanh nhân giỏi...

Để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2012, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong toàn vùng giảm từ 55% như hiện nay xuống còn 30%, cùng với sự nỗ lực của các địa phương, Trung ương cần có những chính sách phù hợp và sự hỗ trợ tích cực, cụ thể từ các Bộ, ngành; cần có chương trình đào tạo riêng đặc biệt cho lao động nông thôn, trong đó có sự ưu tiên cho khu vực ĐBSCL. Cơ cấu ngành nghề đào tạo phải phù hợp với quá trình đi lên của nền nông nghiệp; gắn đầu tư phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch để giải quyết việc làm và điều phối lao động nông thôn. Song song với đào tạo nghề, cần rèn luyện cho người lao động về kỹ năng làm việc, tác phong công nghiệp, ý thức đoàn kết, liên kết trong lao động vì đây là những điểm còn rất yếu của nguồn nhân lực ĐBSCL. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có chính sách thu hút, điều chỉnh lại chế độ tiền lương cho phù hợp thực tế để giữ chân được đội ngũ trí thức ở lại phát triển vùng ĐBSCL, nhất là ở tuyến huyện và cơ sở.

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, để vùng ĐBSCL “cất cánh”, đầu tư phát triển hạ tầng là một trong những khâu có yếu tố quyết định. Trong đầu tư phát triển, Trung ương cần quan tâm đặc biệt cho vùng ĐBSCL - vựa lúa của đất nước và xuất khẩu gạo, trong đó có Vĩnh Long, nhất là về giao thông, thủy lợi, hạ tầng thông tin... phục vụ tốt cho sản xuất, lưu thông hàng hóa và thu hút đầu tư.

Đề cập đến công tác xây dựng Đảng, đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng trong những năm tới, Đảng ta cần tiếp tục quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn...). Cần có chính sách sát thực tiễn, phù hợp với từng vùng, miền. Các chương trình cần tập trung đồng bộ để chăm lo cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước nhất là bí thư cấp ủy, trẻ, đủ tiêu chuẩn chuyên môn, có năng lực, phẩm chất và đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới. Việc nâng cao trình độ cán bộ cần gắn với thực hiện chính sách hợp lý. Đảng cần có cơ chế khuyến khích, chế tài thỏa đáng nhằm thực hiện tốt vai trò lãnh đạo tập thể của Đảng đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Cơ chế phát huy vai trò tổ chức đảng và đảng viên, cấp ủy viên trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, sâu sát và thực tiễn hơn trong quá trình ra Nghị quyết lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.

TTXVN

Chia sẻ bài viết