09/06/2017 - 20:41

Phát huy nội lực để thu hút đầu tư và hội nhập

Những năm qua, TP Cần Thơ đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ về xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Sự cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển ngày một đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối nội vùng và quốc tế là những tiền đề quan trọng để thành phố tăng cường các hoạt động đối ngoại, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người dân, nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.

 

Đầu tư theo chiều sâu

Tàu GL LANXIU xuất phát từ cảng Darwin (Australia) là chuyến tàu quốc tế đầu tiên cập Cảng Tân Cảng Cái Cui vào tháng 4-2017.

Với vị thế trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, có tính kết nối liên vùng qua địa bàn thành phố. Đồng thời, nhờ nỗ lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đến nay, hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không của Cần Thơ đã cơ bản phát triển và đổi mới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL nói chung và thành phố nói riêng. Các dự án phục vụ kết nối giao thông vận tải vùng ĐBSCL đoạn qua TP Cần Thơ đã hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1; Nâng cấp cải tạo quốc lộ 91 (đoạn Km14 đến Km50+889) và quốc lộ 91B theo hình thức BOT… Các dự án đang triển khai thi công như: Cầu Vàm Cống (dự kiến hoàn thành năm 2018); tuyến Lộ Tẻ-Rạch Giá (dự kiến hoàn thành năm 2018). Các dự án đang chuẩn bị triển khai như: Nâng cấp cải tạo quốc lộ 91 (đoạn Km0 đến Km7); nâng cấp Ngã Năm cầu Cần Thơ-Cảng Cái Cui thuộc dự án quốc lộ Nam Sông Hậu. Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới quốc lộ kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL qua địa bàn thành phố. Đồng thời, dự án tuyến N2 từ TP Hồ Chí Minh kết nối với các cầu Cao Lãnh, Vàm Cống đang được đầu tư; tuyến cao tốc đoạn từ Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ triển khai đầu tư sẽ tạo thành 2 trục dọc thông suốt kết nối TP Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

Thời gian qua, thành phố tập trung triển khai xã hội hóa và kêu gọi đầu tư các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn theo quy hoạch. Hệ thống cảng biển đã và đang được đầu tư xây dựng nâng cấp theo quy hoạch hệ thống cảng biển vùng ĐBSCL. Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu đã hoàn thành và thông luồng kỹ thuật. Thành phố cũng đang nghiên cứu đầu tư xây dựng cụm cảng biển trên sông Hậu tại KCN Hưng Phú I (cụm A) để phát triển khu bến Cái Cui theo quy hoạch. Về đường hàng không, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đã hoàn thành giai đoạn 2 và phục vụ khai thác các đường bay nội địa, quốc tế từ Cần Thơ đến Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng và khai thác đường bay Cần Thơ-Đài Bắc trong dịp Tết Nguyên đán. Thành phố cũng đang khẩn trương làm việc với Bộ Giao thông Vận tải xúc tiến làm việc với các hãng hàng không để mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế nhằm tăng cường kết nối du lịch, giao thương, thu hút các nhà đầu tư đến Cần Thơ và các tỉnh trong vùng.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố, thời gian qua, Trung tâm cùng các sở, ngành thành phố đã đón tiếp nhiều đoàn nhà đầu tư đến thành phố. Hầu hết các nhà đầu tư quan tâm đến một số lĩnh vực về quy hoạch giao thông (đường bộ, đường cao tốc sẽ nối từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ trong tương lai, sân bay quốc tế Cần Thơ, hệ thống cảng biển trên sông Hậu…). Nhà đầu tư cũng quan tâm tìm hiểu các quy hoạch về các khu công nghiệp trên địa bàn, hạ tầng kết nối trong và ngoài khu, các chi phí về giá thuê đất, điện, nước; các thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh của TP Cần Thơ. Do đó, việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và thông suốt sẽ tạo được ấn tượng tốt với các nhà đầu tư khi đến với Cần Thơ.

Phát huy nội lực hợp lý

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP Cần Thơ đạt được những kết quả quan trọng, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, năng động hơn. Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ, công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố. Trong bối cảnh thế giới, trong nước và địa phương có nhiều vấn đề chung và đặc thù cần giải quyết như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, đô thị hóa…, thành phố cần đề cao nhiệm vụ, vai trò của công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch; thường xuyên rà soát, giám sát các quy hoạch trong từng lĩnh vực ngành nhằm đảm bảo sự thống nhất, gắn kết mục tiêu phát triển trong cùng một thời kỳ, từng bước đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Nhìn chung, kết quả đổi mới về cơ chế, chính sách, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã tạo điều kiện giúp thành phố huy động được nguồn vốn đầu tư khá lớn từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 5-2017, thành phố có 75 dự án đầu tư nước ngoài với 24 dự án trong khu công nghiệp và 51 dự án ngoài khu công nghiệp. Tổng vốn đăng ký của các dự án là 645,6 triệu USD, vốn thực hiện 404,5 triệu USD, chiếm 62,6% tổng vốn đăng ký. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ, cho rằng: Trong vài năm trở lại đây, thành phố tập trung thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, song các hoạt động xúc tiến cần được đẩy mạnh hơn nữa. Về phía VCCI Cần Thơ đang có nhiều hoạt động kết nối với các tổ chức xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản và dự kiến sẽ có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến Cần Thơ để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Do đó, thành phố nên tính toán, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu tiên để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản. Tương tự, thành phố cũng cần xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư cụ thể đối với một số quốc gia; các quốc gia có tính kết nối và lan tỏa cao hơn nên có chính sách ưu đãi hơn khi đầu tư vào Cần Thơ.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống: Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển và danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Để tiếp tục đưa kinh tế-xã hội của thành phố phát triển nhanh, bền vững và hội nhập vào xu thế phát triển chung của toàn khu vực, thành phố cùng các sở, ngành, quận, huyện sẽ tiếp tục đánh giá một cách đầy đủ và khoa học về những tiềm lực, cơ hội phát triển; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, các chương trình và dự án đầu tư cụ thể phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết