Thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội, ngày 7-9 vừa qua, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã giám sát tình hình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2003-2010 đối với UBND thành phố. Kết quả giám sát cho thấy việc sử dụng vốn TPCP trên địa bàn thành phố đúng quy trình, phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Giai đoạn 2003-2005 thành phố chỉ được Trung ương phân bổ vốn duy nhất cho dự án (DA) đường vào Khu Công nghiệp phía Nam và Cảng Cái Cui với tổng mức đầu tư là 104 tỉ đồng. Sau khi thành lập TP Cần Thơ, danh mục DA sử dụng nguồn vốn TPCP không ngừng nâng lên. Giai đoạn 2006 - 2010, thành phố có 79 DA thực hiện từ nguồn vốn TPCP với tổng mức đầu tư 7.939 tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn đã phân bổ là 2.892 tỉ đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện các DA đạt 4.086 tỉ đồng, giải ngân được 2.829 tỉ đồng. Ngành giao thông được bố trí vốn nhiều nhất, với tổng cộng 5.060 tỉ đồng; phần còn lại bố trí xây dựng các DA thủy lợi; các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện cấp thành phố và các DA trường học, nhà công vụ cho giáo viên;...
Theo UBND thành phố, đến hết năm 2010 sẽ có 52 DA sử dụng vốn TPCP hoàn thành, đưa vào sử dụng, thành phố có sẽ thêm 14 xã có đường ô tô về đến trung tâm với chiều dài 72 km; các DA thủy lợi hoàn thành phục vụ tưới tiêu cho trên 2.500 ha đất nông nghiệp; có thêm 570 giường bệnh được đưa vào sử dụng; xây dựng thêm 57 nhà công vụ cho giáo viên, 157 phòng học mới ở các địa phương... Qua đó, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, giải quyết nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, giao thương của nhân dân, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của thành phố. Các tuyến giao thông lớn, như: đường Mậu Thân-Sân bay Trà Nóc, đường Vị Thanh- Cần Thơ,... kết nối với các DA hạ tầng do trung ương đầu tư, như: Sân bay Cần Thơ, Quốc lộ 91B,... ngày càng hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, tạo nền tảng thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của thành phố.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, UBND thành phố đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Trung ương về phân bổ, sử dụng nguồn vốn TPCP. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có 9 DA phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cao hơn tổng mức đầu tư ban đầu là 1.497 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do điều chỉnh trượt giá vật tư, giá bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng tăng lên, hoặc bổ sung thêm các hạng mục, tăng quy mô DA,... dẫn đến điều chỉnh DA. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một số DA có thời gian khởi công hoàn thành chậm so với đăng ký ban đầu. Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, đến giai đoạn 2007 -2010, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư,... được lãnh đạo thành phố cùng các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ nên các DA sử dụng vốn TPCP có tiến độ thi công rất nhanh. Cũng do tiến độ xây dựng nhanh nên tới thời điểm này nhiều DA đã giải ngân hết vốn kế hoạch. Do đó, UBND thành phố vừa có văn bản đề nghị Chính phủ cho thành phố tạm ứng khoảng 800 tỉ đồng thanh toán khối lượng cho các nhà thầu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đưa các DA vào sử dụng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các DA sử dụng nguồn vốn TPCP cũng phát sinh một số vấn đề chưa hợp lý về chủ trương đầu tư, quy trình phân bổ vốn,... Đối với chủ trương đầu tư các DA sử dụng nguồn vốn TPCP, UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định về danh mục DA và tổng mức đầu tư trong giai đoạn 5 năm (2011-2015) cho từng ngành. Sau đó, trên cơ sở kế hoạch vốn hằng năm, địa phương nào có khối lượng giải ngân vượt kế hoạch của ngành giao sẽ được bổ sung vốn; địa phương nào giải ngân chậm sẽ chuyển vốn cho địa phương khác thực hiện. Điều này sẽ kích thích các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA, sử dụng hết nguồn vốn được giao. Về quy trình phân bổ vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chia nhỏ” lĩnh vực, ngành để phân bổ vốn (như lĩnh vực y tế chia ra bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện cấp tỉnh; đối với ngành giáo dục thì chia ra kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên, ký túc xá sinh viên). Với cách phân bổ này, các địa phương rất khó điều chuyển, tập trung vốn cho DA có khối lượng nhiều. Do đó, thành phố đề nghị khi thông báo kế hoạch vốn hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nên chia nhỏ lĩnh vực mà phân bổ theo ngành, lĩnh vực chung để địa phương chủ động cân đối, điều chuyển nội bộ ngành, lĩnh vực...
Nguồn vốn TPCP là nguồn vốn vay để phân bổ cho các địa phương thực hiện các DA xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, đoàn giám sát đề nghị các chủ đầu tư cần thường xuyên đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các DA vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, cũng lưu ý: “Nguồn vốn TPCP là một trong những nguồn vốn chính trong đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần tăng cường quản lý, chủ động phối hợp kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ DA, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo các quy trình, quy định của pháp luật về sử dụng vốn, đảm bảo chất lượng khi đưa công trình vào sử dụng”...
QUỐC TRƯỞNG