23/05/2016 - 22:12

Phát huy dân chủ trong trường học - nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo

Phát huy dân chủ cơ sở là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Với ngành giáo dục, thực hiện dân chủ được xem là nền tảng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo ở đơn vị. Thời gian qua, một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) ở TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh hoạt động này.

Lắng nghe sinh viên nói

Bạn Nguyễn Văn Tài, sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Khi mới bắt đầu học năm thứ nhất đại học, tôi còn khá mơ hồ về cách học theo học chế tín chỉ, đăng ký môn học qua mạng, cách học trực tuyến,… Song, qua mấy buổi tham dự Tuần lễ sinh hoạt công dân sinh viên, hội nghị "Hiệu trưởng tiếp xúc sinh viên" do trường tổ chức, thầy cô giải thích rõ về quy chế học vụ, tôi hiểu hơn phương pháp dạy và học bậc ĐH, đòi hỏi SV tự chủ, năng động hơn mới có thể học tốt". Tương tự, bạn Thùy Linh, sinh viên ngành Kế toán, Trường ĐH Cần Thơ, nói: "Tháng 4 vừa rồi, tôi và các bạn tham dự buổi tiếp xúc với Hiệu trưởng và thầy cô là trưởng, phó các phòng ban, giúp chúng tôi hiểu rõ về hoạt động đào tạo chung của trường. Không chỉ vậy, chúng tôi có thể nêu ý kiến và được thầy cô giải thích rõ về chương trình học thực tế, rồi học bổng khuyến khích…".

Buổi "Hiệu trưởng tiếp xúc sinh viên" năm 2016 do Trường ĐH Cần Thơ tổ chức, nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của sinh viên.

Hằng năm, lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ đều tổ chức buổi tiếp xúc trực tiếp với đại biểu sinh viên- cán bộ Đoàn khoa, chi đoàn và ban cán sự các lớp. Qua đó, lãnh đạo trường lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của sinh viên để ban hành những chính sách mới hoặc điều chỉnh chính sách đang thực thi một cách phù hợp. Sinh viên nắm được chính sách và định hướng chung của trường để có trách nhiệm học, rèn luyện tốt hơn,… nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế, tại buổi tọa đàm "Hiệu trưởng tiếp xúc sinh viên" vào tháng 4-2016 do trường tổ chức vừa qua, khoảng 600 sinh viên đại diện cho hơn 32.200 sinh viên chính quy của trường đã trao đổi trực tiếp những thắc mắc với nhà trường. Trong 18 ý kiến thắc mắc của sinh viên, phần lớn đề nghị trường xem xét, hỗ trợ việc học hành và hoạt động sinh hoạt (ăn, ở) trong ký túc xá tốt hơn. Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, trường luôn tạo điều kiện tốt nhất về nhân lực, vật lực để sinh viên học tập tích lũy kiến thức và vui chơi giải trí khi học tại trường. Tuy nhiên, để trường ngày càng phát triển cần có sự hợp tác từ phía sinh viên, cần nỗ lực học tập, rèn luyện, tinh thần trách nhiệm bảo quản tài sản, giữ gìn an ninh trật tự,...

Bên cạnh Trường ĐH Cần Thơ, một số đơn vị khác ở TP Cần Thơ thời gian qua đã tổ chức buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo trường với sinh viên, như: ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, Cao đẳng (CĐ) Nghề Cần Thơ, CĐ Y tế Cần Thơ... Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, hoạt động này nhằm phát huy tính dân chủ trong trường học, tạo điều kiện giúp nhà trường - sinh viên hiểu nhau hơn, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Để phát huy tính dân chủ

Phát huy tính dân chủ trong trường học không chỉ ở các tổ chức chính trị, đoàn thể mà còn ở hoạt động kiểm định chất lượng của đơn vị đào tạo, như: Hoạt động đánh giá lãnh đạo trường với cán bộ giảng viên, giảng viên với sinh viên hay sinh viên đánh giá giảng viên,… Đơn cử như Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ đã phát huy dân chủ thông qua việc công khai minh bạch thông tin nguồn lực, hoạt động đào tạo trên website của trường. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, nhà trường khai thác phần mềm quản lý về liên quan đến hoạt động sinh viên đánh giá giảng viên. Sinh viên muốn xem kết quả học tập cuối khóa của mình, phải trả lời một số câu hỏi trên hệ thống mạng về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Những trường hợp giảng viên không tốt, trường sẽ góp ý chấn chỉnh; đối với giảng viên thỉnh giảng thì báo cáo đơn vị liên kết đào tạo, nhằm chấn chỉnh để hoạt động dạy và học tốt hơn.

Thực tế cho thấy, để phát huy hiệu quả tính dân chủ trong trường học không phải dễ dàng, đòi hỏi có sự cộng tác và "hiểu nhau" giữa trường-giảng viên và sinh viên. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ vào trung tuần tháng 4 vừa qua, đại biểu đại diện các sở ngành thành phố cho rằng, thời gian qua, trường thực hiện khá tốt quy chế dân chủ trong đơn vị, cụ thể hóa các văn bản áp dụng vào thực tế của đơn vị. Tuy nhiên, năm 2015, trường lại vướng trường hợp một cán bộ xin nghỉ việc và dù đã giải quyết xong nhưng gây dư luận không tốt về trường. Có nhiều nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan; trong đó có yếu tố phần lớn cán bộ mới về trường công tác còn rất trẻ, chưa nắm bắt hết quy chế của cơ quan. Do đó, trường nên tăng cường triển khai quy chế đến tận các đơn vị và từng cán bộ, giảng viên. Thạc sĩ Nguyễn Văn Ấu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, cho rằng: Trường rất nỗ lực thực hiện tốt các mặt hoạt động để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan đã để xảy ra trường hợp cán bộ bất đồng quan điểm, rồi nghỉ việc. Đây là bài học lớn đối với trường trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ trong trường học.

Theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, trường đã nỗ lực xây dựng, phát triển trường, cũng như việc thực hiện đầy đủ các quy định về thực hiện quy chế dân chủ trong trường học. Song, nhà trường cần chú ý đến công khai, minh bạch mọi mặt và xử lý mọi việc dứt điểm, hiệu quả. Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, các trường cần chú ý đến công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ viên chức, sinh viên. Lãnh đạo nhà trường cần giữ vững nguyên tắt tập trung dân chủ và sinh hoạt đúng định kỳ… nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết