17/01/2024 - 21:28

Phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, bao che, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật 

(CT) - Ngày 17-1, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia gia (BCÐ 138/CP và BCÐ 389/QG).

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể dự tại điểm cầu Cần Thơ.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Cần Thơ.

Năm 2023, trên cả nước xảy ra 58.086 vụ vi phạm về trật tự xã hội, tăng 0,007% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó nổi lên là nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản; tội phạm sử dụng công nghệ cao; mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài; vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; vi phạm pháp luật về ma túy... Tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra phức tạp, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán, đầu tư công, đấu thầu, khai thác khoáng sản... Trước tình hình trên, Bộ Công an triển khai thực hiện các phương án chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh với tội phạm, tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; duy trì phối hợp trao đổi thông tin, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm mua bán người, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép…

Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm qua các lực lượng phát hiện, bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ năm trước), thu nộp ngân sách nhà nước trên 14.570 tỉ đồng; khởi tố 616 vụ… Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, vật tư y tế, điện tử, thực phẩm đông lạnh, tân dược, xăng dầu… Các đối tượng sử dụng môi trường thương mại điện tử, mạng xã hội, trang thiết bị, công nghệ hiện đại để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến nhanh, thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ trong năm qua. Qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả mà BCÐ 138/CP và BCÐ 389/QG các cấp đã đạt được trong năm 2023. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Ðể công tác đạt kết quả cao, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCÐ 138/CP và BCÐ 389/QG. Từng đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa tội phạm. Quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao ngày một tinh vi. Ðồng thời xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, bao che, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật. Củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong công tác phòng, chống tội phạm. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm, không để tạo thành điểm nóng phức tạp kéo dài. Tăng cường công tác kiểm tra kết hợp tuyên truyền để hạn chế việc lôi kéo vi phạm pháp luật. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác của đơn vị, địa phương mình quản lý.

Các lực lượng, địa phương tập trung các lực lượng, tuần tra, kiểm soát chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản.

Tin, ảnh: NAM HƯƠNG

Chia sẻ bài viết