15/08/2008 - 10:05

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo xuống dưới 30% vào năm 2015

Tăng cường và phối hợp các nguồn lực để đầu tư có hiệu quả các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh trên địa bàn các hộ nghèo, giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo xuống dưới 30% vào năm 2015 (giảm 1/2 số hộ nghèo so với hiện nay). Đó là mục tiêu tổng quát được đề ra tại Hội thảo “Cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ các huyện nghèo”, giai đoạn 2009-2015 do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội phối hợp với Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) tổ chức tại Hà Nội, ngày 14-8.

Tính đến cuối năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước còn khoảng 18%, cuối năm 2007, còn 4% nhưng hiện vẫn còn 61 huyện, gồm 797 xã, thị trấn, thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hơn 50% hộ nghèo.

Nguyên nhân của tình trạng này, cùng với sự hạn chế về năng lực, nhận thức của người nghèo, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; xuất phát điểm phát triển kinh tế xã hội thấp; năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được công việc, có một nguyên nhân quan trọng thuộc về chính sách, cơ chế hỗ trợ các huyện này chưa phù hợp.

Hội thảo đã khẳng định sự cần thiết cần ban hành cơ chế chính sách đối với những huyện nghèo và đề xuất các giải pháp thực hiện. Cụ thể, về nguồn vốn, tập trung thực hiện các chương trình, đề án, chính sách hiện có của Chính phủ, bộ, ngành quản lý để ưu tiên các nguồn lực đầu tư các chương trình cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các huyện nghèo, thực hiện đầy đủ các chính sách hiện có đối với người nghèo, đồng bào dân tộc, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá, lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo... Về nguồn nhân lực, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật cho cán bộ cơ sở, nhất là ở cấp thôn, bản. Tăng cường đội ngũ tri thức trẻ tình nguyện cho các huyện nghèo trong thời hạn từ 1-2 năm với cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp và ưu tiên tuyển dụng sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Điều động, luân chuyển cán bộ chuyên môn, kỹ thuật từ trung ương cho các tỉnh, tăng cường cán bộ tỉnh, huyện cho các huyện, xã nghèo. Tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện nghèo...

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết