04/12/2010 - 10:02

Phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 6%

Theo Bộ Tài chính, để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ nhằm bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và Quý I năm 2011, cần tập trung xử lý các biện pháp được coi là “từ gốc” của việc bình ổn giá.

Cụ thể như áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp khai thác, đẩy mạnh năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ giữa các vùng miền trong cả nước; Hoàn thành và công bố quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối các sản phẩm chủ yếu: xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, xi măng, lương thực, thuốc chữa bệnh. Cùng với khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá; Hỗ trợ vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa dịch vụ thiết yếu chiếm thị phần lớn, dự trữ hàng hóa Tết Tân Mão 2011, tiếp tục kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu; Kiểm soát chi ngân sách, ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực. Bên cạnh đó, phấn đấu giảm bội chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) xuống dưới 6%, đồng thời, điều hành tăng lãi suất cơ bản; giữ bình ổn tỷ giá ngoại tệ; bảo đảm cung ứng đủ ngoại tệ cho nền kinh tế, áp dụng các biện pháp cho phép các Ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông, tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền nhanh...

Ngoài ra, để công tác quản lý, điều hành giá và quản lý thu chi ngân sách thực hiện có hiệu quả, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục thực hiện một số biện pháp như Tăng cường quản lý hoạt động thu chi ngân sách hiệu quả sử dụng vốn NSNN; giám sát việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, chế độ định mức chi tiêu của các tổ chức, đơn vị sử dụng NSNN, có biện pháp cụ thể, chống thất thu Ngân sách và gian lận thuế, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi ngân sách, bảo đảm đủ kinh phí cho nhiệm vụ chi phục vụ an sinh xã hội; Điều hành giữ ổn định một số giá hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế như: giá điện, giá than (bán cho 4 hộ tiêu thụ than lớn: xi măng, điện, giấy, phân bón), giá nước sạch cho sinh hoạt, cước vận tải hành khách bằng xe buýt trong đô thị, bằng đường hàng không, giá vé vận tải hành khách bằng ghế ngồi cứng trên phương tiện đường sắt...

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ chi tiêu NSNN cho các phương án giá, mức giá hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đặt hàng; hàng hóa còn được trợ cước trợ giá; hàng hóa, dịch vụ thực hiện chính sách xã hội...hạn chế tối đa trường hợp vượt mức dự toán, ứng vốn; Kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi mức giá đối với 17 mặt hàng phải đăng ký như xi măng, thép xây dựng, gas, than, phân bón.

THÙY DƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết