06/12/2017 - 22:19

Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả 4,5 tỉ USD vào năm 2020 

(CT)-Ngày 6-12, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trái cây nhằm đánh giá hiện trạng sản xuất, tiêu thụ trái cây trên địa bàn cả nước và đề ra định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trái cây.

Sản phẩm rau quả chế biến và cây ăn trái được giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRUNG  

Từ những năm cuối của thập kỷ 90, sản xuất cây ăn quả nước ta được quan tâm đầu tư và có bước phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hiện diện tích trồng cây ăn quả của cả nước đạt khoảng 910.000 ha, sản lượng cho trái đạt khoảng 9,5 triệu tấn/năm. ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất, chiếm trên 50% diện tích và 60% sản lượng trái cây của cả nước.

Những năm gần đây, xuất khẩu trái cây và rau quả nói chung liên tục tăng trưởng cao: từ 151,5 triệu USD năm 2003 lên mốc 1,07 tỉ USD năm 2013, năm 2016 đạt 2,458 tỉ USD, bình quân tăng 1,25 lần/năm. Trong đó, ước tính các sản phẩm cây ăn quả chiếm hơn 80% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,16 tỉ USD, tăng 43,2% so với năm 2016. Hiện rau quả tươi của nước ta đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, ngành trái cây đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian qua và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, các bên liên quan cần quan tâm vào cuộc để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc mà ngành còn gặp phải, như: sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan; các sản phẩm trái cây chủ yếu tiêu thụ nội địa và ở dạng tươi, khâu chế biến bảo quản sau thu hoạch còn yếu; xuất khẩu trái cây vào các thị trường cấp cao khó tính chưa nhiều… Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đề ra định hướng tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như: chuối, xoài, cam, dứa, nhãn… Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, hữu cơ, GAP…), đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch. Nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị xuất khẩu, đồng thời tránh các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm tươi sống, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản… Nước ta đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả 4,5 tỉ USD vào năm 2020, và con số này đạt trên 7 tỉ USD vào năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, nước ta còn nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất và xuất khẩu trái cây do có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai, trình độ sản xuất của nông dân ngày càng nâng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm ở cả trong nước và thế giới còn rộng mở. Để ngành trái cây phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững hơn, các địa phương, đơn vị liên quan cần quan tâm rà soát, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất tốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết với nông dân và tăng cường đầu tư cho phát triển sản xuất và chế biến trái cây xuất khẩu.

     KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết