18/11/2010 - 13:33

ĐỌC “NÓ VÀ TÔI”

Phải biết đứng dậy sau khi vấp ngã để trưởng thành

“Nó và tôi” là truyện dài của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành quí III- 2010. Bằng lối kể chuyện mộc mạc, dí dỏm của tác giả, hai nhân vật chính: “cha và con” đã đi vào lòng độc giả, khiến người ta phải suy nghĩ.

“Nó và tôi” được kể theo thứ tự thời gian trưởng thành của nhân vật. Bố cục câu chuyện là cách kể đan xen tuổi thơ của con và tuổi thơ của cha giúp người đọc dễ hình dung.

“Nó” là Quảng, con trai út của nhân vật “tôi”. Giống như bao đứa trẻ khác, Quảng nghịch ngợm và rất hiếu kỳ, luôn đặt những câu hỏi mà người lớn không biết trả lời thế nào cho phù hợp. Nếu Quảng được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh êm ấm, đầy đủ ở thành phố thì người cha lại có một tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn ở quê. Người cha đã đưa con về thăm quê, dạy cho con những trò chơi dân dã, kể cho con nghe những nét đẹp, những đặc trưng của vùng quê hiền hòa nằm bên con sông Tiền thơ mộng của dòng sông Cửu Long... Chuyến về quê của hai cha con được miêu tả sống động, khơi gợi những cảm xúc mãnh liệt về tình yêu quê hương trong lòng độc giả.

Hồi ức về vùng quê trong kháng chiến, những ngày còn đi học của nhân vật “tôi” có sức hút kì lạ, giúp người đọc hiểu thêm về vùng đất và con người của một thời kỳ lịch sử. Bên cạnh đó, quá trình trưởng thành của đứa con cũng rất thú vị và hấp dẫn.

Cả hai cha con khi còn nhỏ đều có những điểm tương đồng đáng yêu: thông minh, yêu thích thể thao, văn nghệ... nhưng giữa họ có một sự khác biệt rất lớn, đó là nhận thức. Sự kiện đánh dấu sự khác biệt ấy chính là cả hai cha con đều phải nghỉ học năm 14 tuổi. Nguyên nhân nghỉ học thì hoàn toàn khác nhau: người cha học rất giỏi nhưng phải nghỉ học vì Nhật chiếm trường, còn đứa con thì bị nhà trường đuổi học do lười biếng, tụ tập bạn bè xấu chơi bời, hư hỏng. Người cha đã so sánh: “Những năm ấy, tất cả các làng ở Nam bộ, không có làng nào có trường tiểu học. Trò nào muốn học tiểu học thì phải lên quận, lên tỉnh, trừ những đứa ở tại chỗ, còn những đứa ở làng, mới mười tuổi đầu phải ở trọ, ăn cơm tháng. Có bao nhiêu đứa dù học giỏi cũng không leo lên nổi cấp tiểu học, vì lý do rất đơn giản là cha mẹ không đủ tiền cho con ăn học. Còn bây giờ nó và bạn bè cùng lứa của nó sướng quá, sướng quá đâm tệ!” (trang 33-34).

Có lẽ do hoàn cảnh và môi trường sống quá khác nhau đã tạo ra sự khác biệt trong nhận thức và suy nghĩ của hai thế hệ thanh thiếu niên. Câu chuyện của hai cha con trong “Nó và tôi” cũng là một ví dụ điển hình trong xã hội Việt Nam: những lớp thanh niên trải qua gian khổ, khó khăn trong kháng chiến thì sớm trưởng thành và có lý tưởng sống; thế hệ trẻ ngày nay sống trong sung sướng nhưng gia đình lơ là, chủ quan, thiếu quan tâm, dạy dỗ sẽ dễ sa ngã, hư hỏng...

“Nó và tôi” kết thúc có hậu. Sau khi bị đuổi học, “Nó” rất hối hận. Gia đình đã khuyên nhủ, động viên nó và xin cho nó vào học một trường khác. Nó cắt đứt với đám bạn xấu và chuyên tâm học hành, chơi thể thao. Nó còn thành lập một ban nhạc đặt tên là “Chuột nhắt” để thỏa niềm đam mê ca hát và có thêm thu nhập từ những buổi phục vụ trong và ngoài trường học.

Biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã sẽ giúp người ta trưởng thành hơn. Thông điệp đó tuy không mới nhưng luôn có giá trị, được nhà văn Nguyễn Quang Sáng gởi gắm qua câu chuyện này.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết