26/01/2024 - 15:08

Nuôi "ốc leo cây" 

(CTO) - Ốc len sinh sống nhiều dưới tán rừng ngập mặn ven biển tỉnh Cà Mau. Gần đây, ngoài cách trực tiếp đi bắt ốc len để bán kiếm thêm thu nhập, người dân Cà Mau còn nuôi ốc len khá thành công.

Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn khoảng 69.000ha. Bãi bồi rừng ngập mặn ven biển hoặc rừng ven các cửa sông, kênh rạch thông ra biển là môi trường tốt nhất để ốc len phát triển.

Bắt ốc len là nghề kiếm sống của một bộ phận người dân vùng ven biển ở Cà Mau. Ốc len sống dưới mặt đất, tuy nhiên, khi thủy triều lên, mặt đất rừng bị ngập thì chúng sẽ leo lên thân cây trú ngụ.

Có khi thủy triều xuống, chúng cũng vẫn ở lại trên thân cây cao lưng chừng tầm mắt của người đi bắt. Chính vì vậy, người hành nghề cần tập trung và tinh mắt để phát hiện chúng.

Đi bắt ốc len là công việc cực nhọc, những người làm nghề thường xuyên phải lội sình lầy hơn 10km mỗi ngày trong những tán rừng để tìm kiếm chúng. Họ thường đi từ sáng sớm đến trưa để kiếm được khoảng 2-3kg/ngày. Hiện giá ốc len đang dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg.

Trước đây, sản lượng ốc len ở Cà Mau lớn nhưng giá trị không cao; những năm gần đây giá ngày càng cao, người dân bắt nhiều khiến sản lượng ốc len ngày càng giảm.

Tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, một số hộ dân chuyên làm nghề đi bắt ốc len đã nuôi thành công những con ốc len con không bán được trong rừng ngập mặn.

Vì nuôi ốc len không cần cho ăn, chăm sóc lại đạt hiệu quả kinh tế, nên một số hộ dân đã ra vựa thu mua lại ốc nhỏ mang về nuôi và dần trở thành mô hình phát triển kinh tế.

Ở Cà Mau, ốc len được chế biến thành nhiều món ăn ngon, phổ biến nhất là món ốc len xào nước cốt dừa. Đây là một trong những món ngon dân giã được nhiều thực khách về Cà Mau ưa chuộng.

HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết