01/10/2011 - 09:08

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Nước lũ tiếp tục dâng cao

* AN GIANG: Đóng đập tràn Tha La, Trà Sư cứu hàng trăm ngàn hécta lúa
* ĐỒNG THÁP: Cứu thành công 1 tuyến đê vỡ
* TP CẦN THƠ: Thực hiện nhiều biện pháp ứng phó nước lũ dâng cao

(CT)- Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên đang lên và ở mức lũ đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt mức báo động 3 (BĐ3) và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Cụ thể: mực nước cao nhất ngày 29-9 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 4,86m, cao hơn BĐ3 là 0,36m; tại trạm Cao Lãnh: 2,51m, cao hơn BĐ3: 0,21m; tại trạm Mỹ Thuận là 1,95m, cao hơn BĐ3: 0,15m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử 0,04m. Trên sông Hậu, tại trạm Châu Đốc: 4,22m, cao hơn BĐ3: 0,22m; tại trạm Long Xuyên 2,79, cao hơn BĐ3: 0,29m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử 0,14m; tại Cần Thơ: 2,11m, cao hơn BĐ3: 0,21m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử 0,08m...

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, trong những ngày đầu tháng 10, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ lần lượt đạt đỉnh; sau đó biến đổi chậm.

Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,9m, cao hơn BĐ3: 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,3m, cao hơn BĐ3: 0,3m; các trạm chính vùng ĐTM và Tứ giác Long Xuyên lên trên mức BĐ3 từ 0,2 - 0,4m. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục duy trì trên BĐ3 đến giữa tháng 10. Đến ngày 4-10, mực nước tại Mộc Hóa sẽ lên mức 2,4m ở mức BĐ3. các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động phòng chống lũ đặc biệt lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên...

Tối 29-9, tỉnh An Giang quyết định tạm thời đóng 2 đập tràn kiểm soát lũ Tha La và Trà Sư. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Việc đóng đập kiểm soát lũ Tha La, Trà Sư chỉ tạm thời trong vài ngày nhằm hạn chế áp lực nước lũ lớn đổ vào vùng Tứ giác Long Xuyên. Các địa phương trong vùng có thời gian tập trung gia cố toàn bộ hệ thống đê bao, đặc biệt là các vùng bị đe dọa nghiêm trọng.

Sau khi có quyết định tạm đóng 2 đập tràn kiểm soát lũ Tha La và Trà Sư, đêm 29 và ngày 30-9, trong vùng Tứ giác Long Xuyên mực nước lũ đứng và sụt giảm nhẹ; không phát sinh thêm trường hợp vỡ đê mới. Diễn biến tích cực này góp phần “giải thoát” hàng trăm ngàn ha lúa bị lũ uy hiếp thuộc các huyện Châu Phú, Châu Thành... Ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, cho biết: “Từ đêm 29 đến nay, dù không phát sinh trường hợp vỡ đê mới nhưng hầu hết diện tích lúa trong huyện vẫn đang nằm trong diện nguy hiểm. Mực nước lũ nội đồng hiện vẫn còn rất cao, chênh lệch mực nước trong ngoài đê khoảng 3m, áp lực nước rất lớn. Do vậy, việc gia cố toàn bộ hệ thống đê bao, cống đập vẫn đang được các ngành hữu quan thực hiện quyết liệt. Huyện đã có “lệnh” hủy bỏ hoặc hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung tối đa chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân”. Đến nay, toàn tỉnh An Giang xảy ra 8 vụ vỡ đê nhấn chìm hàng ngàn ha lúa. Thiệt hại nặng nề nhất là huyện Châu Phú với 5 tiểu vùng sản xuất bị vỡ đê, lũ nhấn chìm gần 3.000ha lúa, ước thiệt hại khoảng 80 tỉ đồng.

Tại tuyến đê bao Bắc Viện, ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đang được tập trung gia cố bất ngờ bị vỡ một đoạn dài hơn 3m vào tối 29-9. Do áp lực nước lũ quá lớn, miệng đê nhanh chóng bị phá rộng ra hơn 5m, nước đổ ào ào vào đồng ruộng. Dù có hàng trăm người đang túc trực nỗ lực gia cố lại khoản đê vỡ do áp lực nước quá mạnh phải mất hơn 3 giờ đồng hồ đoạn vỡ mới được gia cố thành công. Sáng 30-9, cũng tại điểm đê bị vỡ đêm trước tiếp tục bị vỡ. Sau 2 giờ nỗ lực ứng cứu của lực lượng túc trực, đoạn đê bị thủng mới được giải nguy. Đây là lần thứ 3 tuyến đê bao này bị vỡ ngay cùng một điểm xung yếu. Hiện hàng trăm người vẫn túc trực để gia cố tuyến đê này. Song do đê mới, lại nhỏ, càng đắp lên cao đê càng không vững, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, tuyến đê bao này chỉ mới được xây dựng hồi tháng 6 và đưavào sử dụng ngay trong tháng 9 năm nay nên thân đê yếu và rất mỏng. Cùng với tuyến này còn có tuyến đê bao Cả Mũi (đã bị vỡ ngày 28-9) và tuyến kênh Cây Dương - Gò Bói, xã Tân Hộ Cơ chỉ được xây dựng trong vòng 3 tháng và đưa vào sử dụng bảo vệ lúa vụ 3 năm nay hồi đầu tháng 9. Tại huyện Tân Hồng, hiện một số tuyến đê ở các xã Thông Bình, Tân Thạnh A, Tân Hộ Cơ cũng đang đứng trước nguy cơ bị vỡ, đe dọa nghiêm trọng hơn 3.700 ha lúa vụ 3. Hiện mực nước lũ tại Tân Hồng vẫn tiếp tục lên nhanh từ 5-15cm/ngày nên huyện vẫn đang tập trung giữ đê cứu lúa, không một phút lơ là... Đến chiều 30- 9, toàn tỉnh Đồng Tháp có 443 điểm trường gồm 7.761 lớp với 217.940 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nghỉ học để tránh lũ.

Triều cường ngày 30-9-2011 đã làm 4m đê cồn Ấu (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bị vỡ. Ngay lập tức, người dân tại địa phương thông báo đến chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn quận Cái Răng nhanh chóng huy động nhân dân, dân phòng, bộ đội, công an... ứng cứu, thực hiện các biện pháp gia cố, ngăn chặn vỡ đê. Do được ứng cứu kịp thời nên vụ vỡ đê cồn Ấu không gây hậu quả đáng kể.

UBND TP Cần Thơ yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn TP Cần Thơ, các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, kênh, rạch, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân; Khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ dân thu hoạch lúa thu đông đã chín nhằm hạn chế thiệt hại; tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung tại vùng ngập sâu, các trường học phối hợp cùng phụ huynh tổ chức đưa đón học sinh, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra; huy động lực lượng gia cố đê bao, ngăn chặn sạt lở, vỡ đê; kiểm tra và ngăn chặn kịp thời những sai phạm của các bến đò ngang, đò dọc trên địa bàn thành phố...

HÀ TRIỀU-THANH HUY-H.V

Chia sẻ bài viết