29/08/2020 - 07:45

Nông nghiệp Cần Thơ - 5 năm khởi sắc 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất. Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa; xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ… ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo được thành công trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đến thăm mô hình cánh đồng lớn ở Vĩnh Thạnh. Ảnh: CTV

►Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực trong việc thay đổi diện mạo, đời sống ở nhiều địa phương. Chương trình này ngày càng đi vào chiều sâu, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn thành phố. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, hộ nghèo giảm nhanh. Ðặc biệt, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả.

Là một trong số những Hợp tác xã (HTX) điển hình, HTX Rau an toàn Long Tuyền xây dựng thành công kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, hoàn thiện hệ thống nhà lưới, áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng nông sản. Theo ông Triệu Công Ðỉnh, Phó Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền, lợi ích lớn nhất của canh tác theo quy trình VietGAP trong nhà lưới là rau màu tránh được sâu bệnh, năng suất và chất lượng đảm bảo đạt cao hơn so với trồng ngoài trời. Hiện nay, hầu hết nông dân trong HTX đều có kỹ thuật sản xuất tốt, biết luân canh cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều thành viên của HTX Rau an toàn Long Tuyền đã chọn trồng giống dưa kim cô nương với tổng diện tích 2ha, thu hoạch trên 20 tấn để cung ứng thị trường.

Trên địa bàn TP Cần Thơ đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố, ứng dụng nông nghiệp 4.0. Tiêu biểu như: mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái; mô hình ứng dụng đèn led thắp sáng, xử lý ra hoa trái vụ trên cây thanh long… Toàn thành phố hiện có 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, ngoài phát triển nông nghiệp đô thị, ngành nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay, hầu hết các khâu trong sản xuất và thu hoạch lúa đã được cơ giới hóa; hình thành các vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung. Nhằm góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản và lợi nhuận cho nông dân, thời gian qua, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được đặc biệt quan tâm. Ðồng thời, ngành cũng tiếp tục triển khai các đề tài, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất, như: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Dự án Sáng kiến phát triển lúa gạo châu Á,…

Giải pháp đồng bộ

Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, Sở NN&PTNT thành phố đã tổ chức triển khai, quán triệt kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước trong công tác thi đua, khen thưởng đến toàn thể công chức, viên chức. Ðể triển khai các phong trào thi đua hiệu quả, lãnh đạo Sở đã đề ra các chủ trương và biện pháp chỉ đạo bám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở. Các đơn vị đã tổ chức nhiều phong trào thi đua với nội dung phong phú, thiết thực và phù hợp đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực; trọng tâm thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, toàn ngành đã tập trung thực hiện có hiệu quả Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ở các địa phương, Ðề án được thực hiện thông qua các hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật; tìm đầu ra cho nông sản; hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa; hình thành các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, như: ứng dụng công nghệ thông tin (IT) tưới tiết kiệm nước trên cây ăn trái, rau thủy canh, trồng hoa nhà màng/nhà lưới, nấm ăn, nấm dược liệu trong nhà, nhân giống hoa bằng công nghệ nuôi cấy mô… Ngành còn khuyến khích, vận động người dân tích cực tham gia các mô hình, dự án sản xuất mới như: dự án WB6, VnSAT, dự án xây dựng mô hình sản xuất rau, thủy sản theo hướng VietGAP…; tích cực hợp tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: "3 giảm, 3 tăng"; "1 phải, 5 giảm"; sản xuất sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý sâu, rầy; tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thương hiệu và Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP)… góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân tổ chức các mô hình liên kết khép kín chuỗi giá trị nông sản từ đầu vào đến đầu ra. Các hoạt động này đều gắn bó mật thiết với việc hoàn thành, nâng chất các tiêu chí về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Ở lĩnh vực trồng trọt, TP Cần Thơ chú trọng phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó, việc sản xuất lúa theo mô hình "cánh đồng lớn"; các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, như: VietGAP, Global GAP… được phổ biến nhân rộng. Từ đầu năm 2020 đến nay, diện tích và sản lượng sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi có đầu ra sản phẩm tốt đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng diện tích vườn cây ăn trái là 20.811ha, vượt 2,82% kế hoạch (có 180ha sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP); tổng diện tích gieo trồng rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày được 14.993ha, cao hơn 2.915ha so với cùng kỳ năm trước.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, ngành chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi. Toàn thành phố có 92 cơ sở chăn nuôi heo, 29 cơ sở chăn nuôi trâu bò, 6 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. Trong đó, có 18 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại. Cơ cấu ngành thủy sản chuyển dịch đúng hướng. Ðến nay, đã mở rộng diện tích nuôi cá tra theo tiêu chuẩn ASC, GLOBALGAP, BAP, VietGAP nhằm góp phần nâng cao giá trị thương phẩm thủy sản, tạo thương hiệu sản phẩm thủy sản trên thương trường quốc tế.

Trong 5 năm qua, với những đóng góp thiết thực, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã góp sức cùng thành phố xây dựng 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2/4 huyện (Phong Ðiền và Vĩnh Thạnh) đạt chuẩn huyện nông thôn mới; công nhận 2 xã Trung An (Cờ Ðỏ) và Tân Thới (Phong Ðiền) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu trong năm 2020, thành phố sẽ công nhận thêm 5 xã nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT thành phố tiếp tục phấn đấu cùng các cấp, các ngành xây dựng 28/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 huyện được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao; khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hồng Vân

Chia sẻ bài viết