02/04/2014 - 22:27

Giá phân bón giảm khi vào vụ sản xuất lúa hè thu

Nông dân vẫn lo!

Sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân 2013-2014, nông dân tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL đã bước vào vụ sản xuất lúa hè thu 2014 làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiều loại phân bón. Tuy nhiên, nguồn cung dồi dào, giá nhiều loại phân bón trên thị trường chẳng những không tăng mà còn giảm so với cách nay vài tuần.

* Giá phân bón giảm

Cách nay khoảng 2-3 tuần, khi mới bước vào vụ sản xuất lúa hè thu 2014, giá nhiều loại phân bón đã tăng nhẹ khoảng 10.000-20.000 đồng/bao 50 kg so với trước. Tuy nhiên, giá phân bón đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại. So với cách nay hơn 2 tuần, hiện giá nhiều loại phân bón như: Urê, DAP…đã giảm ít nhất từ 10.000-40.000 đồng/bao, riêng phân Kali đã giảm tới hơn 120.000 đồng/bao.

Mua bán phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, phân Urê Phú Mỹ có giá 385.000- 410.000 đồng/bao; Urê Cà Mau (Đạm Cà Mau) và nhiều loại phân bón Urê nhập khẩu từ Trung Quốc có giá 375.000-395.000 đồng/bao. Giá phân NPK 20-10-15 và nhiều loại DAP của các doanh nghiệp trong nước đang ở mức từ 550.000- 600.000 đồng/bao, tùy loại; DAP Trung Quốc (hạt xanh) giá 640.000-650.000 đồng/bao; DAP (Philippines) khoảng 700.000 đồng/bao; Kali (Canada, Israel) đang có giá 420.000-440.000 đồng/bao…Theo nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại TP Cần Thơ, gần đây sức tiêu thụ phân bón đã tăng khoảng 30-40% so với trước và sức mua sẽ còn tiếp tục tăng lên nữa. Nhưng nhiều khả năng cho thấy, giá phân bón còn tiếp tục đà đi xuống hoặc bình ổn chứ khó tăng bởi nguồn cung nhiều loại phân bón đang có dấu hiệu vượt cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho rằng: "Thị trường phân bón đang rất dồi dào về chủng loại, nguồn cung, giá cả có sự cạnh tranh giữa các thương hiệu. Để bán được, nhiều nhà sản xuất và đầu mối cung cấp hàng buộc phải hạ giá, với xu hướng này, tôi dự đoán giá nhiều loại phân bón sẽ còn giảm, nhất là các loại phân Urê, do trước đây từng có tiền lệ giá Urê có lúc hạ xuống chỉ còn 360.000-370.000 đồng/bao". Theo ông Nguyễn Mạnh Vân, cửa hàng của ông đã chuẩn bị một lượng hàng khá dồi dào sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ phân bón của bà con nông dân trong vụ hè thu này, kể cả trong trường hợp sức mua có tăng đột biến. Cửa hàng đã ưu tiên lựa chọn và lấy các loại phân bón có chất lượng tốt và giá bán hợp lý để đem về giới thiệu, bán cho nông dân. Các loại phân bón có giá quá cao, cửa hàng hạn chế hoặc không lấy bán nữa.

Ông Huỳnh Ngọc Anh, Chủ cửa hàng Vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ nhận định, trong 1-2 năm gần đây, năng lực sản xuất nhiều loại phân bón trong nước, nhất là phân Urê đã được cải thiện rất nhiều so với trước, góp phần ổn định giá các loại phân bón khi bước vào các mùa vụ sản xuất. Trong vụ sản xuất đông xuân vừa rồi, dù nhu cầu tiêu thụ tăng, nhưng giá các loại phân bón ít biến động tăng như các năm trước, thậm chí có lúc còn giảm mạnh.

* Nông dân vẫn lo

Hè thu là vụ lúa mà nông dân phải tốn nhiều chi phí cho bơm tưới nước. Giá phân bón giảm đã góp phần tích cực trong việc giảm bớt gánh nặng về giá cho nông dân trong điều kiện nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất lúa, nhất là xăng dầu và điện đang có xu hướng tiếp tục nhích lên. Tuy nhiên, dù giá phân bón giảm, nông dân vẫn lo. Nguyên nhân do trong vụ sản xuất lúa hè thu, đồng ruộng không còn được bồi lắng phù sa như ở vụ đông xuân, nông dân phải tăng lượng phân bón cho lúa. Thời tiết nắng nóng làm cây lúa khó hấp thụ dưỡng chất, phân bón dễ bị bốc hơi và thất thoát trên đồng ruộng, nông dân lo ngại lúa bị giảm năng suất nên thường tăng lượng phân bón nhằm bón bù cho lúa và hy vọng lúa được bón phân đầy đủ để sinh trưởng và chống chọi tốt với thời tiết khắc nghiệt. Mặt khác, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có giá ở mức cao và có khả năng nhích lên trong thời gian tới làm tăng chi phí sản xuất trong vụ hè thu 2014. Trong khi đó, giá lúa vụ hè thu sắp tới vẫn còn là "ẩn số". Nhiều nhà nông thường không có sẵn tiền mặt, phải mua chịu phân bón đến cuối vụ mới trả (phải gánh thêm tiền lãi) sẽ làm tăng thêm chi phí đầu tư sản xuất là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng ngụ thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã xuống giống 6 công lúa hè thu 2014. "Vào đầu vụ, giá phân bón giảm ai cũng mừng, nhưng do tôi phải mua thiếu đến cuối vụ mới trả nên cứ nợ một triệu đồng tiền phân bón phải chịu thêm lãi suất khoảng 30.000 đồng. Vụ lúa này, tính sơ sơ cũng phải bơm nước cho lúa khoảng 8-10 lần, lượng phân bón sử dụng phải tăng thêm ít nhất khoảng 10-15kg/công…Tính chung, chi phí sản xuất lúa trong vụ này sẽ tăng ít nhất khoảng 400.000-500.000 đồng/công. Nhưng đáng lo hơn là giá lúa hè thu tới đây không biết thế nào!"-ông Hoàng băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Hưng ngụ ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, chia sẻ: "Dù giá phân bón giảm, nhưng ước tính chi phí cho sử dụng phân bón và các loại nguyên nhiên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa hè thu 2014 chắc chắn sẽ tăng cao so với đông xuân, chưa kể giá nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thể nhích lên trong thời gian tới. Hơn nữa, năng suất lúa trong vụ hè thu thường không đạt bằng vụ đông xuân. Vì thế, nông dân rất mong Nhà nước có biện pháp để ổn định giá cả các loại vật tư đầu vào và giá lúa đầu ra, tăng cường hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để giúp nông dân có thể hạ giá thành sản xuất".

Các loại phân bón bán trên thị trường khá đa dạng về chủng loại và giá cả, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Song, điều này cũng đang gây khó khăn cho nông dân tìm mua sản phẩm có chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý, nhất là nhiều nông dân chọn mua và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm truyền miệng giữa nhà nông với nhau. Ông Phan Tấn Hùng ngụ ấp Thới Phước, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, kiến nghị: "Có quá nhiều chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, nhưng chất lượng, giá bán sản phẩm chưa được quản lý thật tốt, hàng giả còn len lỏi vào thị trường và đôi lúc người bán còn tự ý nâng giá lên, các công ty còn quảng cáo quá sự thật…Điều này dễ gây thiệt hại cho người nông dân, do vậy rất cần Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để quản lý chặt về giá cả, chất lượng sản phẩm và có các khuyến cáo kịp thời giúp nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất".

Sản xuất lúa hè thu gặp nhiều yếu tố bất lợi. Do vậy, nhà nông rất mong được ngành chức năng hỗ trợ về mặt kỹ thuật, ổn định giá cả đầu ra cho hạt lúa, hoặc khuyến cáo nông dân chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang trồng các loại rau màu trên những diện tích đất được phân bổ phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Có như thế, nhà nông mới đa dạng được sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng được mùa mất giá, bấp bênh sau mỗi vụ mùa.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết