Giá nhiều loại nông sản như: lúa gạo, heo hơi... đã tăng mạnh so với năm trước nhưng nông dân ở ĐBSCL vẫn đang gặp khó khăn khi phải đầu tư tái sản xuất. Nguyên nhân: giá phân bón, thức ăn chăn nuôi gần đây đã tăng “chóng mặt”, giá nông sản không thể tăng theo kịp. Với tình hình trên, không chỉ nông dân rơi vào thế bị động mà nhiều người buôn bán cũng gặp khó do thiếu vốn và sức mua giảm mạnh...
* GIÁ CAO NGẤT NGƯỠNG!
Hiện giá bán lẻ các loại thức ăn gia súc trên thị trường đã tăng thêm bình quân 6.000-10.000 đồng/bao (25kg) so với tháng trước. Tăng giá mạnh nhất là các loại thức ăn do các công ty liên doanh sản xuất như: Con Cò, Cargill... Nếu so với cùng kỳ năm trước, thức ăn hiệu Cargill đã tăng khoảng 60.000-100.000 đồng/bao (tùy loại), thức ăn hiệu Con Cò cũng đã tăng khoảng 60.000-70.000 đồng/bao. Hiện giá nhiều loại thức ăn do các công ty liên doanh sản xuất đang phổ biến ở mức 188.000-300.000 đồng/bao; còn thức ăn do các doanh nghiệp trong nước sản xuất ở mức 134.000 đến trên 200.000 đồng/bao, tùy loại.
|
Nhiều người nuôi thủy sản đang gặp khó do giá thức ăn thủy sản tăng cao nhưng giá thủy sản vẫn còn ở mức thấp. Ảnh: khánh trung |
Giá thức ăn thủy sản cũng tăng mạnh. Năm trước, thức ăn cho cá tra hiệu Aquafile, UP... giá chỉ ở mức 6.100-6.400 đồng/kg (loại 26% đạm), nhưng hiện tại đã lên đến 8.700-8.800 đồng/kg. Theo nhà sản xuất, thời gian qua giá thức ăn gia súc và thủy sản tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào như: tấm, cám, bắp và nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng giá, để có mức lời doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh giá bán sản phẩm tăng.
Trong khi đó, ở ĐBSCL, khoảng 3 tháng qua, giá phân DAP đã tăng 500.000 đồng/bao; các loại phân urê và NPK cũng có mức tăng 100.000-200.000 đồng/bao... Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá phân DAP (Trung Quốc) đang ở mức 1.100.000-1.150.000 đồng/bao; urê (Trung Quốc và urê Phú Mỹ) 500.000-510.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Cò Bay 650.000-660.000 đồng/bao. Ở Bến Tre và Vĩnh Long, giá phân DAP tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở mức: 1.050.000 đồng/bao; phân urê 480.000 đồng/bao. Các năm trước, thường vào vụ lúa thì giá phân bón mới tăng do nhu cầu sử dụng phân tăng. Nhưng thời điểm đầu vụ lúa xuân hè năm nay, giá phân bón đã tăng mạnh. Điều đó cho thấy giá phân bón không còn theo quy luật cung - cầu như trước.
* SỨC MUA GIẢM, BUÔN BÁN Ế ẨM
Anh Châu Ngọc Chợ, cửa hàng thức ăn gia súc Năm Ngỗng, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, giá thức ăn gia súc, tấm, cám... ở mức cao, nuôi heo có mức lời nhưng không hấp dẫn nên nhiều người đã hạn chế chăn nuôi hoặc nghỉ nuôi. Do đó, sức tiêu thụ thức ăn gia súc đang rất yếu. Bây giờ cửa hàng chỉ bán được 2-3 bao/ngày, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước”.
Còn theo bà Dương Thị Cám, chủ cửa hàng thức ăn gia súc Năm Chiến (ở ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày, Bến Tre), hiện có khoảng 40-50% mối khách hàng nuôi heo chuyên mua thức ăn gia súc tại cửa hàng đã tạm thời nghỉ nuôi heo. Giá heo hơi đang ở mức cao nhưng do giá thức ăn gia súc và con giống đang ở mức quá cao nên nhiều người ngán nuôi. Mặt khác, nhiều người cũng sợ nếu giá heo hơi giảm trở lại sẽ bị lỗ nặng. Hiện nay, phần lớn người dân phát triển nuôi heo thịt là những người có nuôi heo nái giống đẻ con rồi để lại nuôi.
Giá thức ăn gia súc tăng cao làm sức tiêu thụ bị giảm mạnh. Trong khi đó, các nhà sản xuất đều bán sản phẩm lấy tiền mặt, chỉ có một số công ty trong nước còn cho gối đầu, nhưng chỉ áp dụng cho những đại lý mà họ tin tưởng và mức gối đầu chỉ còn khoảng 30-40% so với trước.
Sức mua phân bón cũng có dấu hiệu chựng lại. Anh Nguyễn Thuận Lợi, chủ một cửa hàng phân bón ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhiều nông dân thấy giá phân đang ở mức cao sợ làm không có lời nên cũng bỏ đất trống vụ xuân hè. Những người xuống giống vụ lúa này cũng đang có xu hướng sử dụng phân hạn chế so với trước. Các đại lý cũng không còn cho tôi mua phân thiếu theo dạng gối đầu như trước vì họ cũng kẹt vốn. Phải mua phân vào bằng tiền mặt nhưng bán ra với số lượng lại hạn chế, tôi phải đầu tư thêm vốn nên buôn bán cũng khó khăn hơn trước!”.
* NÔNG DÂN: KHÔNG DÁM NUÔI, KHÔNG DÁM TRỒNG!
Ông Cao Hoàng Hết, chủ một trang trại nuôi heo ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Nếu ai có heo xuất bán trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán tới nay là lời to vì giá heo hơi ở mức cao, trong khi giá chi phí đầu vào còn ở mức thấp. Còn hiện nay mới bắt đầu nuôi heo và khoảng 2-3 tháng sau mới xuất bán thì rất khó kiếm lời vì giá con giống, thức ăn gia súc đã tăng quá cao. Chính vì vậy, sau đợt xuất bán heo vừa rồi hiện tôi không dám mua thêm con giống để phát triển mà chỉ lấy con giống từ đàn heo nái của trang trại mình nuôi lại. Hiện nay, tôi chỉ còn nuôi 26 con heo nái và 120 con heo thịt, giảm 200-300 con so với các đợt nuôi trước”. Theo tính toán của ông Cao Hoàng Hết, để nuôi một con heo đạt trọng lượng 1 tạ, hiện người chăn nuôi phải bỏ ra chi phí khoảng 3,8-3,87 triệu đồng, tăng ít nhất 1,2-1,3 triệu đồng so với cách nay 3 tháng. Trong đó, tiền con giống khoảng 1,8 triệu đồng, thức ăn khoảng 1,7-1,8 triệu đồng, công chăm sóc 60.000 đồng, tiền điện, nước khoảng 50.000-60.000 đồng, thuốc thú y 150.000 đồng. Nếu giá heo hơi ổn định ở mức 4,1-4,2 triệu đồng như hiện nay, người nuôi heo có thể thu lời 200.000-300.000 đồng/tạ. Nếu giá heo hơi tuột khỏi mức này coi như lỗ.
Chị Đặng Cẩm Đang (ở ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đang nuôi 21 con heo thịt, trong đó có gần chục con gần đến lứa xuất bán, cho biết: “Để giảm bớt chi phí, hiện tôi cũng hạn chế bớt cho heo ăn bằng thức ăn công nghiệp mà tăng cường cho ăn tấm, cám. Nhưng cách này cũng không có lợi hơn được bao nhiêu vì cho ăn thức ăn công nghiệp ít lại thì heo chậm lớn, vả lại giá cám, tấm hiện cũng ở mức cao so với trước. Hiện nay, nuôi mỗi con heo chỉ còn lời vài trăm ngàn đồng”.
Trước đây, nhiều người nuôi cá tra còn cho cá ăn xen kẽ giữa thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp. Nhưng trước tình hình giá thức ăn công nghiệp tăng cao, gần đây nhiều người nuôi cá có qui mô lớn ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ chỉ cho cá ăn bằng thức ăn tự chế. Nhưng cho cá ăn bằng thức ăn tự chế thì chi phí cũng chỉ giảm chút ít so với thức ăn công nghiệp vì hiện nay giá cám, đậu nành, cá bột... để làm thức ăn tự chế cho cá cũng đã tăng vọt và ở mức cao.
Còn ông Nguyễn Văn Bé Hai, Chủ Doanh nghiệp sản xuất cây giống Năm Nhẫn ở ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Năm nay, giá nhiều loại cây giống vẫn ở mức tương đương với năm trước. Nhưng giá phân bón và các chi phí sản xuất tăng mạnh nên lợi nhuận của cơ sở tôi bị giảm nhiều. Cụ thể, giá bọc nhựa từ 18.000 đồng/kg giờ lên ở mức 23.000 đồng/kg, phân mụn dừa từ 120.000 đồng/ghe giờ lên 200.000 đồng/ghe. Đồng vốn bị thu hẹp nên năm nay tôi đã phải ngưng sản xuất các loại cây giống có vốn đầu tư cao như: sầu riêng, xoài... mà chỉ sản xuất những loại cây có vốn đầu tư ít và mau bán như cây mít”.
KHÁNH TRUNG ANH KHOA
SỢ RỦI RO
Ông Bùi Thanh Bạch (ở khu vực Tân Thạnh, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), nói: “Gần đây, giá phân tăng dữ quá . Hiện tại, phân DAP trên 1 triệu đồng/bao, canh tác vụ xuân hè khó có lời, thậm chí có thể lỗ nếu giá phân tiếp tục tăng nhưng giá lúa không tăng. Vì vậy, tôi vừa cho mướn 13.000 m2 đất với giá 200 giạ lúa/năm, tương đương 17 triệu đồng. Lấy số tiền cho mướn đất này làm chuyện khác cho chắc ăn. Giá phân tăng cao kiểu này một số người ở đây cũng đã bỏ vụ xuân hè”.
Bà Cao Kim Linh (ở ấp Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày, Bến Tre), cho biết: “Tôi đang nuôi 85 con heo mướn cho các đại lý thức ăn gia súc. Từ 4 năm nay, tôi chuyên nuôi heo mướn với tiền công 60.000 đồng/tạ heo. Tôi đã có sẵn chuồng trại nhưng không dám tự đầu tư nuôi heo mà vẫn tiếp tục nuôi heo mướn cho đại lý thức ăn gia súc”. |