06/07/2013 - 20:55

Nơi đầu nguồn sông Hậu

Xã Khánh An nằm ở nơi sông Mê Kông bắt đầu chảy vào Việt Nam. Khánh An từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện An Phú - An Giang. Cũng là nơi từng chịu nhiều tang thương trong chiến tranh biên giới Tây Nam, dân di dời tứ tán. Ngày nay Khánh An vươn lên mạnh mẽ, như khoác lên mình một chiếc áo mới…

Tôi đã có một chuyến "đội mưa" về Khánh An vào những ngày cuối tháng 6. Vượt một đoạn đường hơn 100 km về Khánh An mà tôi không phải qua một chuyến đò ngang nào vì sông, rạch đã được nối liền bởi những cây cầu bê tông kiên cố, chắc chắn. Đến trung tâm huyện lỵ An Phú thì mặt trời cũng ló dạng, nắng đậu trên những chiếc lá còn đọng giọt mưa, chói sáng, lấp lánh. Chạy thêm một đoạn khoảng 30 km nữa thì tới Khánh An. Trước mắt tôi, hai bên quốc lộ 91C là những cánh đồng bạt ngàn bắp, nhiều công bắp đã trỗ cờ cao gần bằng mặt đường.

Hai bên quốc lộ 91C đi qua Khánh An, bà con nông dân đã đem bắp ra phơi đầy sân nhà, có gia đình thì ra đồng thu hoạch bắp chở về, có gia đình thì bóc vỏ và đưa trái bắp vào máy tách hạt… Từ đầu xã đến cuối xã, hình ảnh đập vào mắt tôi nhiều nhất là cảnh bà con nông dân đang tất bật lao động bên những trái bắp. Tôi đang lạc vào một xứ sở toàn bắp. Khánh An nổi tiếng là xã có diện tích đất trồng bắp nhiều nhất tỉnh An Giang. Tôi đang say sưa với những cánh đồng bắp bạt ngàn, những hạt bắp vàng óng ánh đang phơi mình trong nắng trưa với tiếng máy tách hạt phát ra tiếng lách tách làm xao động một vùng quê yên tĩnh.

Thu hoạch bắp ở Khánh An. 

Tôi gặp chú Dũng đang miệt mài nơi sân phơi bắp. Người chú nhễ nhại mồ hôi mà vẫn không nghĩ tay. Tôi lân la hỏi chuyện, chú bảo: "Chờ chú một lát, mấy ngày nay mưa dầm dề, hôm nay nắng nên tranh thủ phơi bắp cho khô". Hơn 20 năm cần cù trồng bắp, thành quả chú gặt hái được, không phải là sự giàu có, dư ăn dư để, cơ ngơi vững vàng mà là bốn người con gái của chú đều học đại học, hai người con gái đầu học sư phạm, hiện là cô giáo ở Trường THCS Khánh An, một người là kỹ sư nông nghiệp đang làm cho một công ty sản xuất giống ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) và cô con gái út đang theo đại học Bảo vệ thực vật ở Cần Thơ. Tôi thầm khâm phục một lão nông ở vùng sâu, tối ngày chỉ quần quật bên những công bắp, cây màu, vậy mà vẫn quyết tâm cho con ăn học tới nơi tới chốn. Uống xong một ngụm nước cho đỡ mệt, chú Dũng say sưa kể với tôi về cây bắp, cây màu bằng tất cả kinh nghiệm, sự từng trải của một lão nông cả đời gắn bó với đồng ruộng:

- Trồng bắp bây giờ khỏe hơn lúc trước nhiều lắm cháu à, bây giờ có thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng, lại có giống bắp lai có sức đề kháng cao, đặc biệt là tưới tiêu, bơm xịt thuốc đều bằng máy cả, năng suất được tăng cao, đầu ra được đảm bảo. Tuy nhiên, trồng bắp vẫn cực hơn nhiều so với trồng lúa. Cực nhất là lúc làm cỏ và xịt thuốc. Cây bắp khác cây lúa. Cây lúa sau khi xịt thuốc cỏ thì bơm nước vào cho ngập ruộng để diệt cỏ tận gốc, còn cây bắp thì không thể làm như thế được, sau khi tỉa, bắp nhú lên khoảng 2 -3 lá non là xịt thuốc cỏ, xong một thời gian sau, cây bắp khoảng 6 -7cm cỏ mọc lên lại, thế là bắt đầu làm cỏ. Còn thuốc, mặc dù không phải xịt nhiều như trồng lúa, nhưng lần xịt cuối cùng là dưỡng hạt thì cực lắm, cây bắp lúc này cao hơn đầu người nên khi xịt thuốc phải đi giật lùi tránh thuốc bay vào người, thao tác rất chậm và mệt…

Tôi càng hiểu hơn, những thành quả lao động bao giờ cũng gắn liền với những giọt mồ hôi. Trồng bắp cực thế sao không trồng lúa vậy chú? – Tôi hỏi. Chú Dũng cười xuề xòa: "Xã Khánh An là điểm con sông Mê Kông chảy vào Việt Nam bằng nhánh sông Hậu, uốn lượn và tạo thành một vòng cung dài hơn 7km, nên đất đai ở đây phần lớn là phù sa bồi đắp, dân gian còn gọi là đất bồi, không giữ nước được, không thích hợp trồng lúa mà chỉ thích hợp trồng bắp và cây màu như cải bắp, ớt, khổ qua, đậu đũa…". Chú Dũng còn cho tôi biết thêm, đất ở đây trồng được ba vụ, nhưng người ta chỉ trồng hai vụ bắp và xen kẽ một vụ hoa màu, bởi vụ bắp thứ ba bao giờ cũng cho năng suất thấp. Trồng một vụ màu chứ nông dân cũng thấp thỏm lo, năm nào được giá thì vụ màu lãi gấp đôi vụ bắp, nhưng nếu rớt giá thì là mất trắng, còn trồng bắp thì chưa bao giờ lỗ, chỉ lãi ít hay lãi nhiều mà thôi. Mỗi công bắp, nếu bỏ chi phí, thì lãi cũng được 3 - 4 triệu đồng. Cây bắp đã góp phần làm cho đời sống của người dân Khánh An ngày càng khởi sắc. Sau khi chia tay chú Dũng, tôi chạy thêm một đoạn đường nữa, thì thấy cảnh người lớn, trẻ em đông đúc đang quay quanh một đống bắp, mọi người đang bóc vỏ. Đây là việc làm nhẹ, nên ngày nghỉ hè, các em có thể phụ giúp gia đình. Tiền công là 3.000 đồng cho một cần xé (sọt) bắp, nếu có bắp nhiều, mỗi ngày một người có thể bóc võ gần 20 cần xé, cũng giải quyết được việc làm cho một số lao động nhàn rỗi.

* *

*

Trung tâm Thương mại xã Khánh An là một khu nhà lồng chợ khang trang, nhộn nhịp, đông đúc, không thua gì chợ ở trung tâm huyện lỵ. Dưới bến sông Hậu xuồng, ghe của thương lái tấp nập trao đổi, mua bán. Dân mua bán không chỉ có người Việt ở Khánh An hay các vùng lân cận, mà có cả nhân dân xã Pẹc Chạy (quận Kor Thum, tỉnh Kân Dal, Campuchia). Trung tâm Thương mại Khánh An trở thành đầu mối giao thương của nhân dân lân cận giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Từ đây, chạy dọc theo bờ sông là làng khô mắm nổi tiếng của Khánh An, mà đặc sản là khô cá sặc rằn (hay còn gọi là cá sặc bổi), đã tạo thành thương hiệu đặc biệt ở vùng ĐBSCL và xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan. Không chỉ thế, làng khô mắm ở đây còn là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cả nguyên liệu làm khô, mắm và khô mắm thành phẩm cho chợ khô mắm ở Châu Đốc và nhiều nơi khác. Anh Lại Công Kha, làm khô mắm đã gần hai chục năm - kể với tôi: "Do địa bàn giáp ranh với Campuchia, lại là đầu nguồn sông Hậu, nên có nguồn cá rất dồi dào, đầu tiên người ta chỉ làm khô, mắm để dành cho những ngày nắng hạn có ăn để làm đồng, dần dần thành làng khô mắm và buôn bán lúc nào không hay, cũng có tiếng tăm, nhiều người tìm đến mua, bay giờ trở thành đặc sản của Khánh An".

Dọc làng khô mắm, nhà cửa san sát, toàn là nhà sàn, những giàn phơi khô cao hơn khỏi đầu người. Trò chuyện với một số bà con, tôi được biết, ở làng khô mắm Khánh An hầu như có đủ mặt các loại khô mắm, nào là cá sặc, cá tra, cá lóc, cá lăng, cá chạch… Anh Quốc Luân (cán bộ văn phòng xã Khánh An) cho tôi biết: "Hằng năm, làng khô mắm Khánh An đưa ra thị trường hàng trăm tấn, đặc biệt là nhu cầu về khô sặc bổi ngày một tăng lên. Làng nghề khô mắm ngày càng mở rộng và phát triển, từ đó cuộc sống nhân dân khấm khá và sung túc, con cái được đến trường học hành tử tế".

Nguyên liệu làm khô mắm ở Khánh An, chủ yếu được nhập từ xã Pẹc Chạy và xuất lại mặt hàng nông phẩm. Nhân dân hai bên có mối quan hệ làm ăn rất tốt, hơn hết còn là mối thâm tình giữa hai nước láng giềng. Chính quyền và nhân dân xã Khánh An đã từng vận động quyên góp để xây tặng xã Pẹc Chạy cây cầu bê tông bắc qua kinh Mương Vú, trị giá khoảng 500 triệu đồng.

* *

*

Trên bản đồ hành chính của tỉnh An Giang, xã Khánh An là điểm cực Bắc, cũng là nơi xa trung tâm tỉnh lỵ nhất. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Khánh An điêu tàn, xơ xác sau những trận xâm nhập của giặc Pôn Pốt, nhà cửa nhân dân bị bọn chúng đốt sạch, nhân dân phải di dời tứ tán. Còn bây giờ thế hệ trẻ Khánh An tiếp tục hát vang bài "Khánh An quê tôi" của nhạc sĩ Hình Quốc Minh: "Khánh An quê tôi biết bao là hứa hẹn, đang hòa cùng nhịp bước phát triển với cả nước, với non sông…".

Trần Sang

Chia sẻ bài viết