08/12/2010 - 22:02

ĐỌC “ĐỒNG TIỀN DÍNH MÁU”

Nỗi đau nghiệt ngã

Tập truyện “Đồng tiền dính máu” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành quí III-2010) gồm 28 câu chuyện đau lòng về những nạn nhân của ma túy và HIV/AIDS. Những mảng màu sáng tối trong thế giới ma quỉ đã được Trần Minh Á phản ánh cụ thể, góp phần báo động về hiểm họa của “cái chết trắng” và HIV/AIDS.

“Ba ơi! Ba cho con ra đi ba, con chịu hết nổi rồi ba ơi! Ban đầu nó năn nỉ. Lúc sau nó đập cửa tìm lối thoát. Cả người nó run lên như muôn ngàn con sâu đang bò trong từng lóng xương, đang gặm nhấm tủy của nó. Nó lăn lộn, nghiến răng, trợn mắt, co giựt, quằn quại...” (trang 180). Nhìn thằng con quí tử vật vã trong cơn nghiện, ông bà Phong tuy đau lòng nhưng vẫn cương quyết bắt con cai nghiện. Tuy nhiên, cứ cai xong, Tâm lại tái nghiện. Nó thách cha: “Nếu ba nghiện rồi ba bỏ được thì con sẽ bỏ cho ba xem”. Ông Phong- một sĩ quan quân đội từng vào sinh ra tử trên chiến trường- cho rằng mình đủ bản lĩnh vượt qua cơn nghiện để làm gương cho con nên đã làm theo lời thách thức. Thế nhưng, ông không ngờ rằng ông không thể thoát ra được. Đau khổ, ông Phong quyết định gửi con lên trại cai nghiện, còn ông thì chọn cái chết để chấm dứt mọi chuyện (truyện “Oan nghiệt”).

 

“Bất cứ thứ gì cũng có thể thử cho biết, nhưng có hai thứ trong đời này tuyệt đối không thể thử. Thứ nhất là cái chết, thứ hai là ma túy” là lời của nhân vật Hiếu trong truyện (truyện “Cõi mộng”). Đang là sinh viên đại học, Hiếu dính vào ma túy. Anh đã tự cai nghiện mấy lần nhưng lại tái nghiện. Trong ngày cưới, Hiếu tự cai thuốc nên dẫn đến hôn mê sâu, có nguy cơ tử vong. Vợ anh đã tự tử để chết theo chồng nhưng gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời. Trải qua cái ngưỡng sống chết, Hiếu và vợ càng trân trọng cuộc sống hơn. Anh quyết tâm từ bỏ ma túy và làm lại từ đầu.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều bi kịch do ma túy gây ra trong tập truyện. Qua những câu chuyện có thể thấy vô số nguyên nhân dẫn đến con đường nghiện ngập: thất tình, ăn chơi, buồn chán chuyện gia đình, bạn bè rủ rê... Khi hết tiền, con nghiện sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, kể cả trộm cắp, giết người cướp của, buôn bán ma túy... Đa phần các con nghiện lúc đầu là hút, sau không đủ tiền hút thì chuyển qua chích. Chích tập thể cho rẻ tiền nên nguy cơ nhiễm HIV rất cao. Kết cục là những cái chết bi thảm do sốc thuốc hoặc do AIDS như nhân vật Lợi trong truyện “Không chỗ chôn thây”, Trung trong truyện “Con đường đen trắng”, Đạt trong truyện “Khu phố buồn”...

Đau lòng hơn cả là trường hợp những người vợ, những đứa con vô tội bị nhiễm HIV do chồng, do cha nghiện ma túy truyền sang. Những người vợ, những đứa con trong truyện “Của gia bảo”, “Như thế là tội ác”, “Hai mái đầu xanh” đã khiến người đọc cảm thấy thương xót, ray rứt.

Nhưng cũng có những con người đã cố gắng vượt qua cơn nghiện để làm lại từ đầu như: Nhân vật Công trong truyện “Đương đầu với quỷ”. Sau khi cai nghiện, anh đã lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt với qui mô lớn, đón nhận những người nghiện đến cai nghiện và những người nhiễm HIV đến làm ăn sinh sống. Công còn là một tuyên truyền viên phòng chống ma túy, HIV/AIDS tích cực của địa phương. Chú tiểu Phước Trí trong truyện “Cửa thiền không khép” được sư phụ giác ngộ đã quyết tâm cai nghiện và thi đậu đại học. Hồng trong truyện “Đời đâu đã hết” là gái mại dâm và là một con nghiện bị nhiễm HIV, sau khi cải tạo về, đi làm công nhân may, ban đêm đi tuyên truyền cho các cô gái bán hoa cách phòng bệnh và tác hại của ma túy. Hùng sau khi cai nghiện đã chỉ điểm cho công an bắt những kẻ buôn bán ma túy (truyện “Kẻ giấu mặt”)...

Tác giả Trần Minh Á gửi gắm một cái nhìn rất nhân văn: “Tôi muốn ghi lại những câu chuyện, những con người từ cuộc sống thật. Và có sử dụng một số tư liệu trên thông tin đại chúng. Mong sao mọi người có cái nhìn thông cảm cho những ai lỡ lầm lạc và tạo điều kiện cho họ quay về nếu họ muốn...”.

Lệ Thu

Chia sẻ bài viết