24/02/2014 - 22:27

PHONG ĐIỀN

Nỗ lực xây dựng xã hội học tập

Thời gian qua, huyện Phong Điền có nhiều nỗ lực trong công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục (CMC-PCGD) và xem là một trong những giải pháp quan trọng trong nâng cao trình độ dân trí, tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế.

Cơ sở vật chất trường lớp khang trang thu hút học sinh đến trường góp phần nâng cao chất lượng công tác CMC- PCGD ở địa phương. (Trong ảnh: Giờ chơi của các bé Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền).
 

Từ nhận thức về vị trí công tác PCGD đối với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, mục tiêu kinh tế - xã hội huyện Phong Điền đều gắn với nhiệm vụ PCGD. Địa phương chú trọng xây dựng hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị, phục vụ đầy đủ và kịp thời giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hóa và nâng chuẩn trình độ nghiệp vụ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học. Thời gian qua, huyện duy trì phong trào mũi nhọn, giữ vững chất lượng đại trà, hằng năm, đảm bảo kết quả học sinh lên lớp khá tốt cũng như hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS, THPT. Năm học 2012-2013, huyện có 99,34% trẻ 5 tuổi ra lớp; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 80,3% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, bổ túc THPT… Ông Nguyễn Bá Tòng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền, cho biết: “Huyện thực hiện công tác này, phần nào đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhằm nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện học nghề, có việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện. Chúng tôi phấn đấu thực hiện đạt và vượt các tiêu chuẩn phổ cập, đặc biệt là công tác phổ cập giáo dục trung học và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi”.

Những năm qua, xã Mỹ Khánh là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả việc ngăn dòng học sinh bỏ học. Xác định nguyên nhân những học sinh có nguy cơ bỏ học đa số gia đình nghèo, đi làm thuê phụ giúp gia đình; một số học sinh ham chơi, học yếu, nghỉ học lâu nên mặc cảm, ngại đến trường... Các ngành, đoàn thể địa phương tích cực vận động học sinh không bỏ học, hỗ trợ gia đình các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và động viên họ để con em tiếp tục đến trường. Khi có học sinh bỏ học, địa phương nắm đối tượng, tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra những biện pháp vận động phù hợp và có hướng hỗ trợ hợp lý. Các trường trong xã đảm bảo duy trì sĩ số, hàng năm, không quá 1% học sinh bỏ học. Năm 2013, xã Mỹ Khánh được thành phố công nhận đạt chuẩn CMC-PCGD, PCGD THCS, PCGD TH đúng độ tuổi mức độ 2.

Trường Long là xã nghèo của huyện, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông và buôn bán nhỏ, còn tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn xa, phần lớn đối tượng có trình độ học vấn thấp thuộc diện gia đình nghèo nên việc học chưa được đến nơi đến chốn. Năm 2013, Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Chống mù chữ - Phổ cập giáo dục (XDXHHT-CMC-PCGD) xã Trường Long đã triển khai chiến dịch “Huy động học sinh sau Tết”, tiến hành tổng phúc tra và huy động các đối tượng trong diện phải đi học ra lớp. Sau 2 tuần vận động, 100% trẻ diện phổ thông trở lại trường học bình thường. Cũng trong năm này, xã được thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác CMC-PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và phổ cập THCS. Ngoài ra, Ban chỉ đạo XDXHHT-CMC-PCGD xã giữ vững liên hệ chặt chẽ với chi bộ, trưởng ấp và các mạnh thường quân, thường xuyên giúp đỡ ngành giáo dục duy trì các lớp đến cuối năm học. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác XDXHHT, giúp địa phương giữ vững danh hiệu xã văn hóa.

Theo ông Đỗ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban chỉ đạo XDXHHT-CMC-PCGD xã Trường Long, để công tác XDXHHT phát triển hiệu quả cần xem trọng nội dung, cách thức tuyên truyền, vận động, làm cho người dân hiểu, cùng phối hợp với chính quyền. Điều quan trọng cần khơi gợi và phát huy truyền thống hiếu học, đề cao việc học, giá trị học vấn. Ông Chung cho biết thêm, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác XDXHHT- CMC-PCGD Trường Long cần được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là giao thông, xây dựng các phòng học đạt chuẩn dành cho cấp học mầm non, tạo điều kiện để giáo viên học vượt chuẩn, đáp ứng yêu cầu phổ cập mầm non.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn với việc xây dựng xã hội học tập ở địa phương là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng xã nông thôn mới. Xã Nhơn Nghĩa cũng là một “điểm sáng” của huyện Phong Điền trong thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập để có nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ban quản lý Trung tâm học tập cộng đồng xã phối hợp các ngành, đoàn thể chức năng điều tra nhu cầu học nghề của người dân, liên kết các trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp nghề phù hợp với thực tế địa phương; phối hợp với các trường học để tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ, để nâng cao trình độ người dân. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm phối hợp với các ngành, đoàn thể, mỗi năm, tổ chức từ 3 lớp nghề ngắn hạn trở lên. Ông Lê Ngọc Lựa, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, khẳng định: “Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Nhơn Ái”.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”

(TTXVN)- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký quyết định số 281/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.

Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” để triển khai nhân rộng từ năm 2016 trong phạm vi cả nước. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; 70% gia đình được công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, 50% dòng họ được công nhận Danh hiệu “Dòng họ học tập”, 60% cộng đồng (thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương) đạt Danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỷ lệ này tương ứng là 60%, 40% và 50%; 50% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt Danh hiệu “Đơn vị học tập”.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện được Đề án nêu ra là: Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xã hội học tập, về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; Phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; Tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-2-2014.

Chia sẻ bài viết