03/10/2016 - 21:28

TP Cần Thơ

Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu

Theo Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố đã tăng cường công tác ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp. Và 10 năm qua, Cần Thơ đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều dự án, giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác hại do BĐKH gây ra...

HIỂM HỌA CHỰC CHỜ

ĐBSCL được biết đến là vựa lúa của cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 58% sản lượng thủy sản; chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, do địa hình thấp so với mực nước biển, nằm hạ lưu sông Mêkông, tiếp giáp với biển nên ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường, đặc biệt là tác động của BĐKH toàn cầu và sự thay đổi lưu lượng dòng chảy của sông Mêkông. Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiệt độ trung bình của khu vực ĐBSCL có thể tăng lên 30C và mực nước biển dâng lên 1m vào năm 2100. Khi đó, có khoảng 90% diện tích thuộc các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL bị ngập hoàn toàn. Khoảng 30 năm qua, ở TP Cần Thơ nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,50C, mực nước dâng cao thêm gần 50cm, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, đời sống người dân.

Các hiểm họa chính của BĐKH tại Cần Thơ gồm: triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy... kéo theo những diễn biến khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Nhiều nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: Lượng mưa qua quan trắc và mô phỏng cho thấy sự bất thường ngày càng nhiều như lượng mưa đầu mùa giảm, các trận mưa lớn cuối mùa lại gia tăng. Lượng nước từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về ngày càng ít, trong khi nước mặn từ biển xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, tạo nên những khó khăn mới cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh kế của cư dân. Ở TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL, năm nay lũ không về, tổng lượng nước trên sông Cửu Long chỉ bằng khoảng 30% so với những năm lũ lớn, bằng 60-70% so với những năm lũ trung bình. Trong khi đó, triều cường lại dâng cao so với những năm gần đây, khiến nhiều cụm dân cư, đô thị ngập sâu trong nước. Các nhà chuyên môn lại dự báo: khả năng hạn, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và kéo dài, gay gắt hơn trong những năm tới. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: "Năm nay nước lũ về ít, đồng ruộng ít phù sa nên tôi sợ sản xuất lúa gặp khó khăn, năng suất có thể không cao như những năm trước. Theo kinh nghiệm của tôi, nước lũ về ít thì mùa khô sắp tới (khoảng tháng 3, 4, 5 âm lịch) có khả năng bị thiếu nước sản xuất. Do đó, công tác nạo vét kênh, rạch dẫn nước, khai thông dòng chảy đang được huyện lập kế hoạch và triển khai sớm trong năm 2017".

Bà Helen Clark, Tổng Giám đốc UNDP (người đứng thứ 2, từ phải qua) đến làm việc tại TP Cần Thơ và khảo sát thực tế các điểm sạt lở do tác động của BĐKH trên địa bàn huyện Phong Điền. 

Sạt lở bờ sông cũng là một trong những hiện tượng thiên tai xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), TP Cần Thơ có tổng chiều dài sông Hậu đi qua khoảng 65km, có 350km chiều dài kênh rạch cấp 1, khoảng 800km kênh, rạch cấp 2. Thời gian qua, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng BĐKH, dòng chảy trên sông thay đổi, triều cường nước dâng cao, mùa khô nước rút cạn làm giảm độ kết dính của đất nên xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông. Năm 2015, TP Cần Thơ xuất hiện 27 điểm sạt lở bờ sông, rạch, làm hàng trăm mét đường giao thông và nhiều nhà dân sụp đổ xuống sông. Người dân ở quận Cái Răng vẫn còn nhớ vụ sạt lở bờ sông ở khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình vào năm 2015 đã gây hậu quả nặng nề, làm đoạn đường Võ Tánh đang thi công nâng cấp bị sạt lở xuống sông Cần Thơ và lôi theo 3 căn nhà của người dân, gây gián đoạn giao thông tại khu vực. Ông Thái Quang Tuấn, ở khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình có nhà bị sạt lở xuống sông Cần Thơ, cho biết: "Từ vụ sạt lở này, gia đình tôi không dám xây dựng công trình, nhà ở cặp mé sông nữa, vì rất nguy hiểm đến tính mạng…".

Mặc dù TP Cần Thơ tăng cường nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại của thiên tai và BĐKH, nhưng vẫn phải gánh chịu hậu quả trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa, bão, lốc xoáy, sạt lở đất, triều cường… gây ra và mức độ thiệt hại ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2010 thiệt hại trên 2,5 tỉ đồng; đặc biệt năm 2011 thiệt hại trên 230,8 tỉ đồng; năm 2012 là 3,26 tỉ đồng; năm 2013 trên 4,3 tỉ đồng; năm 2014 là 5,72 tỉ đồng; năm 2015 đến 9,440 tỉ đồng. Những thiệt hại nặng nề này do cơ sở hạ tầng kinh tế được đầu tư trong nhiều năm qua ở các quận, huyện còn nhiều bất cập, đê bao, cầu đường giao thông... chưa đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra.

GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ

Tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Quyết định 158 (chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó BĐKH) được thành lập trong những năm gần đây. Đến nay, Ban Chỉ đạo đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Xã hội và Môi trường (ISET), Thách thức với Thay đổi (CtC), Tổ chức CSIRO và AusAID của Úc, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU)... triển khai thực hiện các mô hình dự báo, đánh giá tác động của các kịch bản BĐKH đến TP Cần Thơ và đề xuất thực hiện các giải pháp thích ứng. Qua đó, hàng chục dự án được triển khai thực hiện, góp phần hạn chế tác hại và thích ứng dần với BĐKH. Điển hình như: Dự án tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của TP Cần Thơ; Dự án sáng kiến thanh niên, truyền thông; Dự án ứng phó BĐKH dựa vào cộng đồng; Dự án chống ngập ở phường An Bình; Dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra... đã và đang thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, ứng phó BĐKH của mọi tầng lớp nhân dân.

Kênh Ấp Chiến Lược ở phường An Bình, quận Ninh Kiều bị bồi lấp nhiều năm được triển khai nạo vét theo Dự án “Quản lý ngập lụt, sạt lở bờ sông đô thị dựa vào cộng đồng TP Cần Thơ” do Văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ thực hiện.

Dự án xây dựng bờ kè sinh học cho các điểm sạt lở dọc bờ sông Cái Sơn, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được triển khai từ năm 2014 đến nay đã góp phần hạn chế sạt lở bờ sông. Theo UBND phường An Bình, tình hình sạt lở bờ sông tại khu vực này đã trở nên trầm trọng trong những năm gần đây. Vào mùa mưa hay mùa nước nổi, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Xây dựng kè sinh học nhằm hạn chế sạt lở là một việc làm kịp thời, bảo vệ an toàn cho người dân sống trong khu vực. Kè sinh học sông Cái Sơn là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Quản lý ngập lụt, sạt lở bờ sông đô thị dựa vào cộng đồng TP Cần Thơ" với tổng kinh phí thực hiện trên 500.000USD (trong đó vốn đối ứng khoảng 67.000USD), do chương trình ACCCRN (Quỹ Rockefeller, thông qua sự điều phối của ISET) tài trợ. Dự án gồm hai hợp phần: Kiểm soát sạt lở bờ sông, xây dựng công trình kè tại rạch Cái Sơn và Cải tạo thoát nước cho kênh Ấp Chiến Lược thuộc phường An Bình. Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ, cho biết: "Đây là một dự án có sự tham gia của cộng đồng từ khâu phát hiện dự án, xây dựng dự án, tham gia giám sát và thực hiện dự án. Khi dự án hoàn thành, cộng đồng cũng là người tiếp nhận, bảo quản, duy tu công trình để sử dụng bền vững, lâu dài, hiệu quả nhất".

Dự án "Nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra" được TP Cần Thơ triển khai thực hiện từ năm 2012, với tổng kinh phí 521.414 USD, do Quỹ Rockefeller tài trợ thông qua Tổ chức ISET. Dự án này đã lắp đặt 8 trạm quan trắc độ mặn tự động trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận nhằm phát hiện và truyền tải dữ liệu quan trắc về độ mặn của nguồn nước đến người sử dụng, cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó. Dự án "Thích ứng BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững - Thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ" do Tổ chức CSIRO và AusAID của Úc phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ thực hiện từ năm 2014 đến nay, với các hoạt động tăng cường nguồn nước sạch cho vùng ven, vùng nông thôn qua các điểm thu gom sử dụng nước mưa; mở rộng nghiên cứu kỹ thuật thu gom, quản lý và xử lý nước mưa để triển khai ứng dụng cho người dân, cơ quan, trường học... Dự án nhằm tránh lãng phí nguồn nước sạch, sử dụng nguồn nước hợp lý góp phần bảo vệ môi trường.

Ngày 8-5-2015, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó BĐKH TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2030. Qua đó, thành phố đã xác định thích ứng BĐKH bao gồm tất cả các hoạt động công trình và phi công trình nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động, trên cơ sở áp dụng tính toán chi phí lợi ích có quan tâm đến môi trường và nguyên tắc không hối tiếc; tập trung xây dựng nền kinh tế xanh, lấy hoạt động ứng phó BĐKH làm động lực cơ bản để phát triển kinh tế, tăng cường mức sống, sinh kế người dân, và ngược lại lấy tăng cường thu nhập cho người dân, gia tăng tích lũy, phát triển kinh tế-xã hội để củng cố năng lực ứng phó cho cộng đồng; các hành động, dự án thích ứng được lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư thực hiện… Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Năm 2016, TP Cần Thơ đã trở thành thành viên của mạng lưới 100 thành phố ứng phó BĐKH do ISET tổ chức, tài trợ hoạt động. Việc tham gia này sẽ giúp thành phố chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ứng phó BĐKH với 100 thành phố trên thế giới, đồng thời tiếp cận các nguồn tài trợ từ tổ chức quốc tế trong việc thực hiện biện pháp ứng phó BĐKH thời gian tới...".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết