19/07/2020 - 10:45

Nỗ lực thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 

Chuẩn bị cho năm học 2020-2021, năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được thực hiện đối với lớp 1, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Cần Thơ khẩn trương hoàn thành các điều kiện cho công tác này. Tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị đã tạo nền tảng ban đầu cho những đổi mới...

Những hoạt động trải nghiệm ở các trường tiểu học tạo nền tảng thực hiện Chương trình GDPT mới. Trong ảnh: Học sinh Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều trong hoạt động ngoại khóa.

►Chung sức vì đổi mới giáo dục

Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Việt Hồng, quận Ô Môn được UBND TP Cần Thơ kiểm tra và công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I vào tháng 11-2016; Sở GD&ÐT TP Cần Thơ khảo sát, kiểm định chất lượng trường đạt mức độ III vào tháng 2-2017. Ðây là một trong những điều kiện thuận lợi để trường triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Ðồng thời, sự chỉ đạo của Sở GD&ÐT TP Cần Thơ và sự quan tâm đầu tư của Quận ủy - HÐND - UBND quận Ô Môn đã giúp trường có điều kiện đưa nhiều giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Nhà trường cũng chủ động tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thường xuyên vận động xã hội hóa và chi hoạt động của trường để mua sắm, tu sửa cơ sở vật chất, đảm bảo yêu cầu dạy và học. Hiện trường có 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 581 học sinh ở 19 lớp học. 100% học sinh học 2 buổi/ngày.

Thầy Võ Hữu Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm học 2020-2021 dự kiến có 4 lớp với 140 học sinh lớp 1. Trường đã chuẩn bị 5 giáo viên đủ điều kiện trình độ và năng lực, sẵn sàng tổ chức giảng dạy cho năm học mới”. 2 năm học qua, trường đã thực hiện mô hình Trường Ðiển hình đổi mới, với nhiều hoạt động như tổ chức các câu lạc bộ Nghệ thuật, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc…; hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học. Từ đó đã góp phần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và nâng cao chất lượng, giáo dục toàn diện; tạo nền tảng thực hiện Chương trình GDPT mới.

Trường TH Nguyễn Việt Hồng là một trong 19 trường TH trên địa bàn quận Ô Môn đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT mới. Hiện toàn quận có 15/19 trường TH đảm bảo đủ số phòng học để triển khai chương trình (1 lớp/phòng học). Năm học 2020-2021, quận sẽ có 460 giáo viên dạy lớp 1, đạt 1,35 giáo viên/lớp (theo chuẩn Luật Giáo dục mới là 1,5 giáo viên/lớp). Dự kiến quận có 2.252 học sinh lớp 1. Khó khăn của quận hiện nay vẫn còn 8 đơn vị có 12 điểm lẻ, cơ sở vật chất không đáp ứng dạy Tin học, Ngoại ngữ. Thầy Võ Công Tuấn, Phó Trưởng Phòng GD&ÐT quận Ô Môn, cho biết: “Ðể đảm bảo điều kiện triển khai chương trình sách giáo khoa, GDPT mới đối với lớp 1, quận ưu tiên đầu tư trường lớp, giáo viên để đảm bảo 100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày”. Ngành Giáo dục quận đã thực hiện xong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo đúng quy trình, hướng dẫn của Sở GD&ÐT thành phố.  

Hiện nay 9 quận, huyện của TP Cần Thơ đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; nhất là triển khai nhiều hoạt động đổi mới giáo dục để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới lớp 1 năm học 2020-2021. Thành phố hiện có 327/455 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 141/176 trường TH đạt chuẩn, đạt trên 80%. Tỷ lệ học sinh TH được học 2 buổi/ ngày đạt trên 85%. Ðể nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình, thành phố đã tạo điều kiện cho khoảng 3.700 lượt cán bộ quản lý, giáo viên TH tham gia các lớp tập huấn về Chương trình GDPT mới; qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý và các hoạt động giáo dục.

►Quyết tâm vượt khó

Vừa qua Ðoàn công tác của Bộ GD&ÐT làm việc với TP Cần Thơ về chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới. Tại buổi làm việc, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ không chỉ báo cáo những việc làm được, mà còn nêu một số khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Hiện nay, phòng học kiên cố của thành phố đạt hơn 85%, năm học 2020-2021 còn thiếu 165 phòng phục vụ lớp học 2 buổi/ngày. Về đội ngũ giáo viên, bên cạnh tình trạng thừa thiếu cục bộ; thì giáo viên có trình độ cao đẳng còn khoảng 15%; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,39 (theo quy định phải đạt 1,5 giáo viên/lớp) và thành phố còn thiếu trên 300 giáo viên giai đoạn 2021-2025.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ÐT, cho rằng, để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT mới, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tạo điều kiện và đầu tư cho ngành giáo dục, để tất cả học sinh được thụ hưởng chương trình giáo dục như nhau. Ông Thái Văn Tài nêu ví dụ: định biên giáo viên trong một lớp học là 1,5 (2 buổi/ngày); nhưng nếu chỉ đạt 1,38 giáo viên/lớp thì học sinh sẽ không được học một số môn, hết sức thiệt thòi. Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ÐT, ghi nhận sự quan tâm đầu tư kiên cố hóa trường lớp và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giáo viên của TP Cần Thơ, đồng thời đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm bố trí đủ định biên giáo viên/lớp đạt chuẩn theo yêu cầu. Ông cũng đề nghị thành phố rà soát, đảm bảo cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị… phục vụ Chương trình GDPT mới.

Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ngành GD&ÐT thành phố luôn được quan tâm, ưu tiên đầu tư. Với nhịp độ phát triển nhanh của thành phố, sự đầu tư được nâng lên và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình GDPT mới. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là một số quận trung tâm có số học sinh tăng cao, cơ sở vật chất không kịp đáp ứng. Mặt khác do quỹ đất xây trường không còn, nên không kịp đáp ứng học 2 buổi, mỗi lớp 1 phòng khi triển khai Chương trình GDPT mới. “Dù vậy, thành phố tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp song song với liên tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp để phục vụ Chương trình GDPT mới năm học tới”, bà Võ Thị Hồng Ánh nhấn mạnh.

Trên cơ sở kết quả rà soát, xác định nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học giai đoạn 2021-2025 phục vụ triển khai Chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT thành phố đã chủ động phối hợp Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường học, xây dựng bổ sung phòng học, các phòng chức năng khác và mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình. Về dự toán tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.000 tỉ đồng (trong đó chi phí kiên cố hóa trường, lớp trên 216 tỉ đồng).

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết